Ðiểm sáng sản xuất nông nghiệp ở Tây Sơn
Bức tranh nông nghiệp năm qua của huyện Tây Sơn có khá nhiều điểm sáng. Sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu và phát triển ổn định. Tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản đạt 4,1%, (giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 1.475 tỉ đồng), đóng góp 12,9% trong tổng giá trị các ngành sản xuất chính của huyện.
Năm 2018, Tây Sơn đã triển khai 14 cánh đồng mẫu lớn, chuyển 176,4 ha đất lúa kém hiệu quả sang một số cây trồng khác.
- Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Tây Sơn đi kiểm tra sản xuất vụ Đông - Xuân ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.
Năm 2018, Tây Sơn đã triển khai 14 cánh đồng mẫu lớn (13 cánh đồng lúa và 1 cánh đồng mía), tăng 6 cánh đồng và tăng 179,2 ha so cùng kỳ năm trước, mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân. Huyện đã cho chuyển 176,4 ha đất lúa kém hiệu quả sang một số cây trồng khác, tăng 56,4 ha so với năm 2017. Cùng với đó, huyện triển khai 16 mô hình, chương trình khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; qua đó đã có nhiều mô hình, chương trình được thực hiện có hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương như: mô hình chuyển đổi cây lạc gieo trồng trên đất lúa, chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, chương trình khí sinh học (biogas), cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lạc.
Ông Trần Văn Lượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Quá trình chuyển đổi cho thấy đây là một chủ trương, định hướng đúng đắn của huyện. Cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt khá, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa trong cùng điều kiện, diện tích.
Trong năm 2018 cũng đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp của nông dân, HTX hướng đến sản xuất an toàn, tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp như: mô hình trồng trọt khép kín - lấy phụ phẩm từ trồng đậu phụng chăn nuôi bò, lấy phân bò nuôi trùn quế, trùn quế đem phục vụ chăn nuôi bò và phân bò phục vụ lại cho trồng trọt - của thanh niên Phạm Ngọc Tú (ở thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận), sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá tại xã Bình Thành. Đặc biệt tại HTX Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong) ngày càng có nhiều hộ dân đăng ký tham gia chương trình sản xuất rau An toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…. Không chỉ là hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, chuyển biến này cho thấy nhận thức của nông dân đã thay đổi về căn bản, tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân đã theo hướng an toàn, hiệu quả và bắt đầu chuyển sang một nấc mới khi manh nha yếu tố canh tác rau sạch kết hợp phục vụ trải nghiệm du lịch.
“Năm 2019 ngành nông nghiệp huyện Tây Sơn đã sẵn sàng nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, duy trì và phát triển vùng sản xuất rau Thuận Nghĩa theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường phát triển các cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhất là chuỗi giá trị. Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, nhằm hỗ trợ và gắn chăn nuôi gia trại vào các chuỗi sản xuất thực phẩm thông qua hình thức nuôi gia công cho các DN đảm bảo khả năng kiểm soát được dịch bệnh, hiệu quả cao. ” - ông Trần Văn Lượng phấn khởi chia sẻ.
ÐINH THỊ MINH NGỌC