Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm chạp - Cần cú hích đột phá
Thoái vốn ì ạch, tốc độ cổ phần hóa diễn ra chậm chạp đã khiến việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hầu như không có nhiều “nhúc nhích”. Chính vì lẽ đó, đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ cũng như biện pháp thực hiện quyết liệt mang tính đột phá mới có thể đạt yêu cầu đề ra.
Tiến trình ì ạch
Theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đề án tái cơ cấu, PVN vẫn là một tập đoàn kinh tế đa ngành, nhưng lĩnh vực sản xuất kinh doanh được gói gọn lại trong 5 ngành nghề chính. Tuy nhiên, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của PVN hiện đang gặp phải khó khăn do tình hình chung của nền kinh tế. Ngay như khoản đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương (chiếm 20% vốn điều lệ), theo thừa nhận của ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng giám đốc PVN, dù đã lên kế hoạch thoái vốn từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Chính vì vậy, không tiết lộ các mốc thời gian cụ thể, ông Sơn chỉ cho biết, lộ trình thoái vốn khỏi ngân hàng này cũng như là các đơn vị khác còn phải tùy thuộc vào thị trường, vào việc tìm kiếm đối tác để bán lại cổ phần đó.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), dù cổ phần hóa từ năm 2006, đã thuê tư vấn nước ngoài hoạch định chiến lược, tái cấu trúc nhưng theo Tổng Giám đốc Vũ Quý Hà, khá nhiều việc vẫn chưa được thực hiện hoặc hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra. Chẳng hạn, các đơn vị hoạt động trên cả hai lĩnh vực xây dựng và bất động sản chưa thể chuyển sang một lĩnh vực do lĩnh vực bất động sản mang lại doanh thu và tỷ trọng lớn hơn xây dựng. Nếu đơn vị nào từ bỏ lĩnh vực bất động sản để chuyển sang chuyên ngành xây dựng thì lợi nhuận sẽ kém đi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hơn nữa, đôi khi ngành chính lại không mang lại nhiều doanh thu, việc làm như ngành phụ. Việc thu hẹp lĩnh vực kinh doanh sẽ hạn chế khả năng duy trì công việc liên tục. Ngoài ra, bản thân “sức khỏe” của các DN mà Vinaconex mong muốn thoái vốn chưa tốt nên không có sức hút đối với thị trường.
Việc khó thoái vốn, ngoài các nguyên nhân nêu trên còn có trở ngại từ việc các quy định phải bảo toàn vốn, không thất thoát. Điều này đã làm nảy sinh nhiều khó khăn, nhất là khi giá trị DN đó liên quan đến đất đai.
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết khi định giá đất DN, dù là đất thuê, không có hợp đồng nhưng khi tính giá đất vào đã khiến giá trị DN “cao vọt” dẫn đến bán không được. Nếu là DN tư nhân thì họ sẵn sàng giảm giá để bán nhưng liên quan đến DNNN là rất khó khăn. Điều này tạo nên nghịch lý, chẳng hạn trước kia bán 100.000 đồng/cổ phiếu nhưng không được nhưng vài tháng sau do giá đất tăng lên lại đẩy giá cổ phiếu lên 120.000 đồng và tiếp tục không bán được.
Không chỉ thoái vốn chậm, một yêu cầu đặt ra quan trọng trong đề án tái cấu trúc DNNN là vấn đề đẩy mạnh cổ phần hóa theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại DN cũng đang diễn ra chậm chạp. Trong 9 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 10 DNNN cổ phần hóa, trong khi những năm được coi là tốc độ cổ phần hóa rất chậm là năm 2011, 2012 cũng có lần lượt có khoảng 60 DN và 30 DN. Trong khi đó, theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015, tổng số DNNN thực hiện các hình thức sắp xếp, cổ phần hóa là 899 DN (trong đó cổ phần hóa 367 DN). Rõ ràng, nhìn vào các số liệu trên, nếu không có thay đổi đột biến, việc hoàn thành đúng tiến độ cổ phần hóa như kế hoạch đề ra là rất khó khăn.
Giải pháp tháo gỡ?
Với con số khoảng 22.000 tỷ đồng được xác định là khoản đầu tư ngoài ngành của các DNNN phải được thoái vốn trước cuối năm 2015 thì thực tế trên cho thấy hành trình tái cơ cấu đang hết sức ì ạch. Những yêu cầu về bảo toàn vốn nhà nước, không thất thoát về cơ bản là chủ trương đúng nhưng thực tế lại đang làm khó cho lãnh đạo các DN “lỡ” đầu tư ngoài ngành. Cái khó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, là đa phần các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều vào các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản và ngân hàng. Những lĩnh vực này hiện nay khả năng thua lỗ là chắc chắn. Do vậy, nếu không tháo gỡ được những bế tắc về vấn đề giá thì việc hoàn thành mục tiêu thoái vốn là không dễ.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sĩ Kiêm, khi thoái vốn, DN vẫn phải có trách nhiệm bảo toàn vốn, trong khi về nguyên tắc, nếu đưa một lượng lớn cổ phiếu ra bán trong một thời gian ngắn thì thị trường sẽ tạo sức ép phải giảm giá. Nếu DN kiên quyết bảo toàn vốn, chờ mức giá hợp lý mới bán thì quá trình thoái vốn ngoài ngành sẽ rất chậm.
Liên quan đến việc cổ phần hóa, theo ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), tốc độ cổ phần hóa DNNN có xu hướng chậm lại và một trong những nguyên nhân là do các chính sách. Do vậy, cần tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện các vấn đề như: quy định xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy định về quy mô vốn của doanh nghiệp cần kiểm toán, tách bạch giữa việc thực hiện nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong các tập đoàn, tổng công ty...
Thực tế, hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty khác cũng đang gặp khó khi tiến hành thoái vốn nhằm tái cơ cấu hoạt động của mình. Tháng 8 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phải hủy tổ chức phiên đấu giá 25,2 triệu cổ phần mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra đấu giá tại Ngân hàng TMCP An Bình khi không có nhà đầu tư đăng ký mua. Gần đây, ngày 26.9, HNX cũng phải hủy tổ chức đấu giá 24 triệu cổ phần do Tổng công ty Hàng không Việt Nam chào bán tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký mua.
. Theo QUANG MINH (SGGPO)