Tây Sơn phát triển trồng rừng gỗ lớn
Toàn huyện Tây Sơn hiện có hơn 40.500 ha đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên 33.000 ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt 51,35%. Nghề trồng rừng ở Tây Sơn phát triển, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tăng độ che phủ rừng hàng năm.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trồng rừng đã chuyển đổi diện tích rừng gỗ nhỏ để trồng cây gỗ lớn.
- Trong ảnh: Nông dân huyện Tây Sơn chăm sóc rừng trồng.
Từ năm 2017-2018, Viện Nghiên cứu lâm sinh (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ dự án trồng rừng gỗ lớn (viết tắt là Dự án) cho nông dân 2 xã: Tây Phú, Bình Tân trồng 40 ha keo lai, keo lá tràm để phát triển trồng rừng gỗ lớn. Trên cơ sở đó, huyện Tây Sơn đã định hướng phát triển rừng gỗ lớn, nhằm tăng hiệu quả kinh tế rừng.
Hiệu quả kinh tế của trồng rừng gỗ lớn cao ít nhất là gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ, đây là điều đã được khẳng định. Ông Trần Văn Lượng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: “Trước đây, người dân chủ yếu trồng keo, bạch đàn khai thác để bán gỗ nhỏ, gỗ dăm, nguyên liệu giấy. Từ khi có Dự án hỗ trợ, người dân ủng hộ, tự chuyển đổi sang mô hình trồng rừng gỗ lớn”.
Xã Tây Phú hiện có trên 2.300 ha rừng phòng hộ, hơn 1.800 ha rừng sản xuất; trong đó, có 20 ha rừng trồng cây gỗ lớn do Dự án hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Tây Phú, cho hay: “Toàn xã có hơn 500 hộ dân làm nghề trồng rừng. Lâu nay chu kỳ khai thác là 6-7 năm, có hộ trồng 4-5 năm đã khai thác. Nhìn chung là có lãi nhưng nếu phát triển theo hướng trồng rừng gỗ lớn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Trên cơ sở Dự án được hỗ trợ, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, đồng thời giao hơn 100 ha đất lâm nghiệp, đất rừng của xã quản lý để người dân trồng rừng, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương”.
Có hơn 30 ha rừng keo lá tràm, keo lai, với nhiều năm gắn bó với nghề trồng rừng, nhưng ông Nguyễn Tự Trọng, ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú chỉ trồng với chu kỳ 5 năm là khai thác. Sau một thời gian chăm sóc 2 ha rừng gỗ lớn từ Dự án hỗ trợ, ông Trọng cho biết: “Sắp tới gia đình tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích rừng của gia đình sang trồng rừng gỗ lớn. Lâu nay bán rừng non, thấy cũng tiếc nhưng điều kiện kinh tế, chăm sóc và bảo vệ còn nhiều hạn chế quá, giờ với sự động viên, hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi chuyển hướng đầu tư”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của trồng cây gỗ lớn, nhiều nông dân trong huyện Tây Sơn cũng đã tự chuyển đổi diện tích rừng gỗ nhỏ để trồng cây gỗ lớn. Ông Trần Văn Lượng cho biết thêm: Huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình trồng rừng chuyển từ cây gỗ ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời, tiếp tục rà soát, triển khai việc giao đất, giao rừng để người dân chủ động phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm bảo vệ rừng…Việc hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên theo hướng bền vững.
ÐOAN NGỌC