Bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng: Chủ động phòng ngừa
Ðể quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh tuần tra bảo vệ rừng.
Tỉnh ta có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 394 ngàn ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là hơn 210 ngàn ha, rừng trồng hơn 134 ngàn ha và đất chưa có rừng trong quy hoạch lâm nghiệp là hơn 43.000 ha; độ che phủ rừng đạt 53,95%. Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) phối hợp cùng chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR&PCCCR); chỉ đạo các hạt kiểm lâm xây dựng kế hoạch BVR&PCCCR năm 2019 trình UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt. Đội kiểm lâm cơ động và PCCCR xây dựng kế hoạch triển khai truy quét, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị các chủ rừng là tổ chức, DN xây dựng phương án PCCCR của đơn vị mình để báo cáo cấp trên theo quy định.
Ông Sử Thành Nhơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo PCCCR; duy trì hoạt động hiệu quả các tổ, đội PCCCR; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Lâm nghiệp cho nhân dân. Tăng cường kiểm tra, chốt chặn để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã trái pháp luật”.
Là địa phương có diện tích rừng lớn nhất TP Quy Nhơn, xã Phước Mỹ có hơn 6.000 ha đất rừng, gồm: 2.400 ha rừng do DN quản lý, xã quản lý trên 2.600 ha, người dân quản lý hơn 1.100 ha. Ông Cao Minh Thi, Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ, cho biết: “Nhờ tích cực tuyên truyền về BVR&PCCCR trong nhiều năm, đến nay nhận thức của người dân được nâng cao, nên nhiều năm liền ở Phước Mỹ không có hiện tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ, cũng không để xảy ra vụ cháy rừng nào”.
Ông Nguyễn Tấn Tài, một chủ rừng ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, chia sẻ: “Trước mỗi mùa thu hoạch rừng, chủ rừng phải làm thủ tục để xin xã cấp phép khai thác, ký cam kết PCCCR. Các chủ rừng cũng tự giác bảo vệ tài sản rừng của mình, thường xuyên kiểm tra rừng, thuê nhân công phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa để bảo vệ rừng”.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) - đơn vị quản lý 10.500 ha rừng tự nhiên, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên trực trạm, trực chốt tại khu vực rừng quản lý; thành lập tổ cơ động, phân công cán bộ chốt chặn, truy quét tại các vùng trọng điểm, vùng rừng dễ cháy để BVR&PCCCR. Đối với diện tích rừng đã giao khoán hộ gia đình thì tổ chức kiểm tra theo nhóm hộ, nhằm đảm bảo trong rừng lúc nào cũng có người để bảo vệ. Bên cạnh đó, công ty cũng ký cam kết với người dân không lấn biên, lấn rẫy, không phá rừng, đốt nương, làm rẫy để ảnh hưởng đến rừng”.
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện tại, chưa phải là thời điểm nắng nóng cao điểm, tuy vậy, thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài thời gian qua đã làm cho nhiều khu vực rừng trên địa bàn tỉnh ở cảnh báo cấp III (cấp dự báo cao). Với các giải pháp đã chủ động triển khai ngay từ đầu năm 2019, Chi cục sẽ tiến hành kiểm tra lại kế hoạch thực hiện trong tháng 3.2019 để yêu cầu các đơn vị và chủ rừng thực hiện tốt kế hoạch, phương án BVR&PCCCR; tiếp tục quản lý tốt vùng trọng điểm thường xảy ra phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về quản lý BVR&PCCCR trong cộng đồng dân cư…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN