Chính phủ xin nâng trần bội chi năm 2013-2014 lên 5,3%
Trước Quốc hội sáng nay (21.10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức độ bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013-2014 là 5,3% GDP, từ năm 2015 điều chỉnh giảm dần. Dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ. Bảo đảm tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ năm 2014 không thấp hơn năm 2013 để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược và phục hồi tăng trưởng. Phát hành thêm trái phiếu chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP). Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC) để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2013-2014.
Khi dự báo khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do Quốc hội đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,4% (kế hoạch là 5,5%); Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 14,4% (kế hoạch là 10%); Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 0,4% (kế hoạch là khoảng 8%); Bội chi ngân sách nhà nước đạt 5,3% GDP (kế hoạch là 4,8%) khoảng 224 nghìn tỷ đồng; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7% (kế hoạch là khoảng 8%); Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 29,1% GDP (kế hoạch là khoảng 30%); Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,8-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4% (kế hoạch là giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%); Tạo việc làm cho khoảng 1,54 triệu lao động, không đạt kế hoạch (kế hoạch là 1,6 triệu lao động); Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,48% (kế hoạch là dưới 4%); Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%, đạt kế hoạch; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15,7% (kế hoạch là dưới 16%); Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,3 giường (kế hoạch là 22 giường); Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85% (kế hoạch là 84%); Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%, đạt kế hoạch; Tỷ lệ che phủ rừng năm 2013 ước đạt 41,1%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 40,7%..
“Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2013, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch là: tốc độ tăng trưởng GDP và tạo việc làm; 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát
Năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng. Điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam.
Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ. Khẩn trương nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công, trong đó quy định rõ về phạm vi, nội dung đầu tư công, các nguyên tắc trong đầu tư và phân bổ vốn; kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; trách nhiệm của các cấp trong quản lý đầu tư từ nguồn lực nhà nước; đồng thời phải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ theo tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm bố trí vốn tập trung, theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trong Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg. Khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả trong đầu tư. Tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế, trong các doanh nghiệp, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013-2020. Phấn đấu từng bước lấy lại đà tăng trưởng cao của ngành công nghiệp. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp...
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về thuế, hải quan, đất đai, thành lập, giải thể doanh nghiệp.... tạo thuận lợi và giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Tạo bước đột phá và có cơ chế để DNNVV có nhu cầu vốn tiếp cận được vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay cho DNNVV. Đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và sớm đưa Quỹ Phát triển DNNVV vào hoạt động để hỗ trợ các DNNVV vay vốn.
Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty lớn theo đúng đề án đã được duyệt. Triển khai thực hiện việc thoái vốn để tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ chính được giao; đồng thời đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở tất cả các cấp.
Hạn chế phát sinh và đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Đề án đã được phê duyệt; đề cao trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và phát huy vai trò của Công ty quản lý tài sản (VAMC). Ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu...
. Theo Vũ Hạnh (VOV)