Phòng chống và điều trị bệnh lao: Trách nhiệm của cả cộng đồng
Bệnh lao không còn là một trong tứ chứng nan y, tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao trên thế giới và đứng 13/30 nước có lao kháng thuốc cao. Ở tỉnh Bình Ðịnh, công tác phòng chống lao có nhiều chuyển biến tích cực, dù vậy, hiện tượng độ tuổi bình quân của bệnh nhân lao ngày càng trẻ là điều rất đáng lo ngại.
Bác sĩ Châu Thị Hồng Nga (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định) thăm khám bệnh nhân lao.
Cộng đồng chung tay
Để đẩy lùi bệnh lao, các cơ sở y tế trong tỉnh luôn trong tư thế chủ động, các hoạt động giám sát, chỉ đạo tuyến được thực hiện thường kỳ. Theo đó, tuyến tỉnh thực hiện hoạt động giám sát lao kháng đa thuốc xuống tuyến huyện, tuyến huyện kiểm tra giám sát tuyến xã (1 xã/quý), tuyến xã thực hiện nhiệm vụ giám sát nhà bệnh nhân trong giai đoạn điều trị tại nhà. Đồng thời, lồng ghép với các đợt kiểm tra, giám sát, cán bộ chỉ đạo tuyến còn hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới. Nhờ đó, bệnh nhân lao luôn được tầm soát, phát hiện sớm.
Theo BS-ThS Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, trước kia các cơ sở y tế chỉ khám phát hiện thụ động khi người bệnh tự đến bệnh viện thăm khám. Nay, bệnh viện đã chủ động phối hợp với các TTYT và trạm y tế tổ chức khám sàng lọc cho người nghi lao tại một số xã trong tỉnh. Do vậy, số lượng bệnh nhân năm qua tăng cũng là điều dễ hiểu, dù vậy bệnh nhân lao lây (AFB (+)) giảm dần, chỉ tăng bệnh nhân lao không lây (AFB (-)).
Cùng với công tác phát hiện, điều trị lao của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, cán bộ chuyên trách lao ở cơ sở chính là những người nắm rõ tình trạng sức khỏe người dân. Anh Nguyễn Văn Bình, cán bộ chuyên trách lao Trạm Y tế xã Phước An (huyện Tuy Phước) chia sẻ: “Hằng năm Trạm đều có kế hoạch công tác để phát hiện, điều trị lao rõ ràng. Bên cạnh điều trị, công tác tư vấn cũng rất quan trọng để người bệnh, người nhà, xã hội nhận biết đúng về bệnh lao, tránh khiến người bệnh buồn phiền hoặc chủ quan”. Về hiện tượng bệnh nhân ở độ tuổi trẻ, anh Bình chia sẻ: “Tôi phụ trách lao đã 20 năm, gần đây mới chứng kiến có bé 9 tháng tuổi mắc lao, Trạm đang điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc cho bé, hiện giờ bé đã ổn. Để phòng chống lao cần sự chung tay của cả cộng đồng, cái này không phải là khẩu hiệu suông đâu mà thật sự rất cần cộng đồng, ví dụ cần sự thông cảm về bệnh tật, không xa lánh, ghẻ lạnh”.
Những điểm mới
Nếu như trước kia, điều trị bệnh lao chỉ do cơ sở y tế công phụ trách, năm 2018, Dự án phối hợp y tế công - tư được triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức PATH (Mỹ). Theo đó, phát hiện và điều trị bệnh lao không chỉ ở bệnh viện công mà còn bệnh viện tư, phòng khám tư, nhà thuốc, cộng đồng, qua đó phát hiện 419 trường hợp được chẩn đoán là mắc bệnh lao, góp 31,3% số lần phát hiện bệnh nhân lao các thể (cao gấp 3 lần so với năm 2017). Đồng thời, dự án còn khám phát hiện lao trong lứa tuổi trẻ. Năm 2018, toàn tỉnh phát hiện và thu nhận điều trị 21 bệnh nhân lao kháng thuốc.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định là 1 trong 5 bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam triển khai ứng dụng thành công kỹ thuật chẩn đoán lao tiên tiến Gane Xpert. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện tốt các dự án về lao. Đặc biệt quản lý chặt số bệnh nhân lao kháng đa thuốc đã phát hiện, tăng cường phát hiện bệnh nhân lao kháng thuốc bằng kỹ thuật Gene Xpert MTB/RIF.
Nói về những đổi mới trong điều trị bệnh lao, BS-ThS Châu Văn Tuấn vui vẻ cho biết, ở cuốn “Hướng dẫn điều trị lao của chương trình quốc gia”, 2018 là năm đầu tiên công nhận tất cả các phương pháp điều trị bệnh lao, kể cả điều trị ngắt quãng, điều trị không liên tục chứ không áp dụng 1 cách chữa trị cho tất cả bệnh nhân như trước. Nhiệm vụ của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là động viên, giúp đỡ cơ sở y tế tư để họ có thêm kinh nghiệm bằng các buổi tập huấn, phát sổ chuyển bệnh nhân. Tất cả nhằm tiến đến năm 2030, tỉnh Bình Định cơ bản khống chế lao.
THẢO KHUY