Ðừng chủ quan với chứng nghẹt mũi
Viêm VA là bệnh lý đường hô hấp hay gặp ở trẻ nhỏ, bệnh không nguy hiểm nhưng thường xuyên tái phát và gây ra nhiều biến chứng. VA là tổ chức lympho tương tự amidan nhưng nằm phía sau mũi, trên lưỡi gà, là vùng đặc biệt khó thấy ở trẻ nhỏ nên có thể bị bỏ sót khi khám bệnh.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm VA có thể là do bị nhiễm lạnh hoặc thói quen ăn uống đồ quá lạnh của trẻ. Các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng, khi có cơ hội thì trở thành tác nhân gây bệnh hoặc do sự bội nhiễm của vi khuẩn. Bên cạnh đó, cũng có thể trẻ bị viêm VA sau khi mắc một số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên như cúm, sởi hay ho gà. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường sống (khói bụi, thuốc lá...) cũng là một tác nhân khởi phát bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Tai mũi họng, BVĐK tỉnh, cho biết: “Trẻ bị viêm VA chiếm khoảng 40 - 53% tổng số trẻ đi khám bệnh tai mũi họng, thường gặp giai đoạn chuyển mùa đông xuân. Triệu chứng của bệnh là trẻ sốt 38 - 40°C, trẻ mệt mỏi, quấy khóc, kém ăn, ăn hay nôn trớ, ngạt tắc mũi, chảy nước mũi hai bên, dịch mũi có thể trong, trắng đục hay vàng xanh, ho có thể có đờm do dịch xuất tiết từ mũi họng kích thích. Việc điều trị viêm VA cấp tùy thuộc vào nguyên nhân vi khuẩn hoặc do virus mà các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp cho trẻ”.
Viêm VA cấp tính cũng có thể có biểu hiện rất nhẹ và trẻ vẫn ăn uống, chơi, ngủ bình thường nên bố mẹ thường xem nhẹ hoặc bỏ qua. Viêm VA cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm rất dễ chuyển thành dạng viêm VA mạn tính. Khi nghi ngờ trẻ bị viêm VA, cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám tại chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên khoa nhi để được xác định bệnh chính xác. Bên cạnh đó, điều quan trọng nên lưu ý là khi nghi ngờ trẻ bị viêm VA không nên tự ý sử dụng kháng sinh, bởi việc lạm dụng kháng sinh dễ gây tình trạng kháng thuốc.
Để phòng ngừa bệnh, khi trẻ bắt đầu ăn dặm cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Tạo cho trẻ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói bụi, nơi đông người, đặc biệt là trong những đợt bùng phát của các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, ho gà... Một điều quan trọng nữa để phòng bệnh là cha mẹ phải giữ vệ sinh tai mũi họng cho trẻ. Việc rửa mũi và hút mũi rất quan trọng, giúp trẻ dễ thở và mau khỏi bệnh hơn. Việc vệ sinh mũi không khó nhưng cũng cần đúng cách, đặc biệt là trong lúc trẻ đang bị viêm VA.
THU PHƯƠNG
(Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh)