Kỳ ảo đầm Ðạm Thủy
Tôi chọn đầm Ðạm Thủy (còn được gọi với cái tên đầm Nước Ngọt, đầm Ðề Gi) làm điểm đến cuối tuần, với nhiều trải nghiệm thú vị để làm giàu cho những chuyến đi, bổ sung vào cẩm nang du lịch một điểm check - in không nên bỏ qua khi tới Bình Ðịnh.
Đầm Đạm Thủy - tên thường gọi là đầm Đề Gi được công nhận di tích lịch sử, được người dân chung tay bảo vệ.
Đầm Đạm Thủy hay như cách gọi thân thuộc của người dân địa phương là đầm Đề Gi - một vùng đầm mênh mông rộng hơn 2.000 ha, được bao bọc bởi 5 xã, gồm: Cát Khánh, Cát Minh (Phù Cát) và Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Thành (Phù Mỹ). Núi Lạc Phụng (Phù Mỹ) làm cánh cửa phía Bắc, núi Bà (núi Bô Chinh) làm cánh cửa phía Nam, phía Tây là lưu vực sông La Tinh với các con sông nhỏ nước ngọt, phía Đông là động Bạch Sa chạy dài từ Tân Phụng đến Vĩnh Lợi, bốn phía Đông - Tây - Nam - Bắc dệt nên cảnh sắc non nước hữu tình cho đầm Đề Gi.
Nếu bạn chỉ có 24 giờ...
Mấy năm nay, bạn tôi, một người hay nói vui mình là “thổ dân xứ Đề Gi”, mở tour khai thác du lịch trên vùng đầm Đạm Thủy. Năm lần bảy lượt hẹn nhau check-in, nhưng hẹn hò cứ lần lữa mãi. Vừa rồi bạn chốt hạ, nếu quá ít thời gian thì tôi thiết kế cho cô một tour riêng trọn vẹn 24 giờ và hãy bắt đầu từ lúc 0 giờ, kết thúc vào 0 giờ kế tiếp. Rất tò mò và cũng muốn kiểm chứng khả năng thiết kế tour của một kẻ tay ngang, từ chiều hôm trước tôi lọ mọ có mặt ở Đề Gi. Và khi giáp mặt, ngay lập tức thấy ân hận vì đã hẹn lần hẹn lữa với “người đẹp” Đạm Thủy.
Trời vừa xẩm. Nắng chỉ mới nhạt. Hoàng hôn đã rải đều sắc loang loáng kỳ ảo trên mặt đầm. Cả một vùng đầm nước như ẩn như hiện, sắc nắng vừa như sóng sánh vàng vừa man mác tím nhấp nhen cho đêm lên. Cả một vùng không gian Đề Gi mênh mông đột nhiên lộng lẫy, kiêu sa. Tầm mắt tôi trôi theo bóng chiều lươn lướt giữa mênh mang buông. Trên chiếc thuyền nhỏ người bạn chài địa phương khẽ khàng chèo đều, ra đến một nơi đủ để thấy mình bé nhỏ giữa trời và nước chúng tôi buông lưới.
Thuyền neo lại, bên này một chiếc, bên kia, bên kia nữa, những thuyền be bé cách quãng nhau thả neo, buông lưới. Khá nhiều và dày nhưng điều kỳ lạ vẫn không làm giảm đi cảm giác cô lẻ, tĩnh lặng, cảm giác chỉ có mỗi một mình thuyền chúng tôi làm chủ mặt đầm này.
Mặt trời khuất sau dãy La Phụng, màn đêm tím thẫm đã nối trời với nước thành một khối liền lạc. Đêm Đề Gi lấp lánh, đêm Đề Gi lung linh từ ánh sáng của những chiếc thuyền câu. Chỉ riêng sự tĩnh lặng dường như có thể cầm nắm được đã là một trải nghiệm dễ chịu.
Đề Gi - Đạm Thủy đang trở thành một điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.
Bạn chỉ tôi cách câu mực đêm, cách gõ mái chèo để thang âm vừa kịp đuổi theo đàn cá lội. Bạn kể, ngày càng có thêm nhiều ngư dân Đề Gi đã biết quý trọng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong đầm. Chưa phải đã là hết nhưng dần dần họ đã bớt hành nghề cấm trên mặt đầm và trở lại với nghề câu thả lưới truyền thống như thuở trước.
Câu chuyện vừa ngưng thì bạn giật câu, một con mực nháy tươi rói nằm trên mạn thuyền. Câu mực đêm là trải nghiệm thú vị giữa đầm Đề Gi, thành quả của một buổi đi câu là “bữa tiệc mực nướng muối ớt” dân dã, ngọt và lành ngay giữa mênh mông.
Nhịp sống về đêm trên đầm Đề Gi nhộn nhịp, tiếng mái chèo gõ lưới đuổi cá, tiếng thuyền ghe rẽ sóng xuyên đêm. Sớm mai kia, trên bến thuyền, chợ cá, mực đã được các mẹ, các chị bày ra. Đó là thành quả của một đêm mưu sinh trên vùng đầm.
Check - in kiểu Đề Gi
Đề Gi đẹp, Đề Gi có nhiều sản vật, từ cá hồng, cá dìa, cho tới các loại sò, ốc, đó là phía trong đầm; ra phía cửa biển có mực, có nhiều hải sản khác. Người dân vùng đầm đã hình thành nghề nuôi trồng thủy sản để phục vụ du khách khi tới đây du lịch trải nghiệm. Giờ đây đến Đề Gi có nghĩa là phải trải nghiệm những điều thú vị riêng có ở vùng đầm này.
“Thổ dân xứ Đề Gi”mách tôi, đến Đề Gi phải ra Vũng Bồi (một ốc đảo nhỏ giữa đầm) thử cuộc sống nơi hoang đảo. Chúng ta sẽ đi lặn san hô, câu cá, cắm trại rồi đốt lửa trại xuyên đêm. Thử một lần lướt ván kiểu Đề Gi bằng một dụng cụ đặc biệt - người dân gọi là “chèo sup”. Tôi để dành lại sự bất ngờ cho bạn nhé, bạn đọc của tôi!
Tiệc hải sản với những món ngon như cá dìa nướng, cá mú ăn mù tạt, lẩu cá hồng - những đặc sản của Đề Gi.
Đi hết đêm ta sẽ đón bình minh ngay Hòn Lang (hòn núi ngay giữa cửa biển Đề Gi). Đi chợ cá sớm, ăn sáng với bánh canh, bánh xèo ngay chợ. Đã đến Đề Gi, bạn nên đi dạo làng biển, thăm Miếu cổ Thành Hoàng, lăng ông Nam Hải, ghé làng nghề chế biến nước mắm Đề Gi. Nếu có dịp tới Đề Gi, bạn thu xếp đến vào dịp lễ cầu ngư làng biển nhằm ngày 10.4 (ÂL) để theo người dân tham gia lễ nghinh ông cầu một năm mưa thuận gió hòa, lộc biển dồi dào. Ngồi bên lăng ông Nam Hải nghe hát bội hết 3 ngày 3 đêm, tôi tin đó là cơ hội để bạn có thêm nhiều hiểu biết về biển, về những nét văn hóa của làng biển. E rằng đến 0 giờ của ngày hôm sau bạn vẫn còn nấn ná chưa muốn trở về!
Nhớ trước khi rời khỏi Đề Gi, đừng quên mang về chai mắm nhĩ, hủ mắm ruốc làm quà nghe bạn hiền. Quà Đề Gi ngon nức tiếng, ăn một lần sẽ nhớ thật lâu, sẽ muốn trở lại.
* Từ Quy Nhơn có hai cách đến Ðề Gi, bạn có thể đi theo hướng QL 1A ra tới ngã ba Chợ Gồm (Cát Hanh, Phù Cát) rẽ phải chừng 15 km là tới Ðề Gi. Một gợi ý nhỏ cho bạn, nếu bạn đi theo nhóm, đi phượt nên chọn đường ven biển, di chuyển từ đường trục KKT Nhơn Hội, theo con đường uốn lượn, bên này là núi, bên kia biển xanh, băng những cánh đồng đang mùa lúa chín. Ngay trên cung đường đến Ðề Gi bạn đã thỏa sức check - in những khung hình đẹp.
* Ðến Ðề Gi bạn nên ở lại đêm, dù bạn là du khách khó tính nhất, bạn sẽ bất ngờ và hài lòng với bữa tiệc đêm ở đây. Một bàn tiệc dọn giữa bãi cát dài như tấm thảm, nhìn ra là biển, sau lưng là vách núi cao sừng sững đủ làm bạn thích thú không? Ngọn lửa trại bập bùng, tí tách nổ, giữa ánh sáng nhẹ của lửa đủ để nhìn gương mặt ai cũng thích thú. Những con cá mú ăn cùng mù tạt, cá nướng cuốn bánh tráng rau sống chấm mắm Ðề Gi vài lát ớt cay... làm mê lòng thực khách.
THU DỊU - HẢI YẾN