Ðập dâng Cây Gai được nâng cấp, sửa chữa: Giải “cơn khát” cho vùng đất khó
Hệ thống đập dâng Cây Gai ở thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) bị hư hỏng vừa được sửa chữa, nâng cấp đã góp phần đưa dòng nước mát tưới cho nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp tại 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ.
Đập dâng Cây Gai đảm bảo cung cấp, điều tiết nước tưới sau khi hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp.
Ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ văn phòng UBND xã Cát Lâm, cho biết các đợt mưa lũ lớn xảy ra vào cuối năm 2016 đã khiến hệ thống đập dâng Cây Gai bị hư hỏng nặng; việc giữ, điều tiết nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản của bà con ở xã Cát Lâm, Cát Hanh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp ở thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm và hạ lưu xã Mỹ Hiệp rơi vào cảnh thiếu nước sản xuất. Cùng với đó, vào mùa khô hạn, hàng trăm hộ gia đình cũng rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt do mạch nước ngầm bị đứt, đời sống sinh hoạt rất khó khăn.
Công trình đập dâng Cây Gai được bố trí 10 khoang có cửa, đóng mở bằng máy vít vận hành vừa bằng điện vừa bằng tay; chủ động nâng hạ cửa phục vụ cho tháo lũ. Công trình đảm bảo tháo lũ chính vụ tần suất thiết kế 2%.
Trước tình thế cấp bách này, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã nỗ lực cân đối nguồn ngân sách, tranh thủ tìm các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức tín dụng quốc tế, nhằm sớm sửa chữa, nâng cấp đập dâng Cây Gai. Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh (đơn vị chủ đầu tư dự án), cho biết sau thời gian tìm kiếm nguồn vốn, đến tháng 4.2018, đơn vị đã tiến hành thi công sửa chữa, nâng cấp đập dâng Cây Gai với tổng mức đầu tư hơn 14 tỉ đồng, từ nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Sau 5 tháng thi công, đến tháng 10.2018 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Từ ngày công trình bàn giao, đi vào vận hành, người dân sống ở vùng hạ lưu đập dâng Cây Gai rất phấn khởi, góp phần giải “cơn khát” cho cây lúa, cây đậu, hoa màu, cấp nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ các địa phương vùng ven biển nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Văn Siêng, ở thôn Hiệp Long, xã Cát Lâm, không giấu được niềm vui, nói: “Thời điểm đập dâng Cây Gai hư hỏng, nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp ở địa phương thường xuyên rơi vào cảnh thiếu nước tưới nên năng suất bị sụt giảm, khiến đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Từ ngày công trình được sửa chữa thì 2 sào lúa (1.000m2) và 2 sào đậu phụng của gia đình không phải lo cảnh thiếu nước tưới nữa. Nguồn nước tưới đảm bảo, năng suất cây trồng tăng, nguồn thu nhập gia đình ổn định, tôi rất mừng!”.
Người dân xã Cát Lâm không còn lo cảnh thiếu nước tưới, cạn kiệt mạch nước ngầm sau khi đập dâng Cây Gai hoàn thiện việc sửa chữa.
Chung niềm vui, ông Lê Thành Tuấn, ở thôn An Điềm, xã Cát Lâm, bộc bạch: “Đập dâng Cây Gai sau khi nâng cấp không chỉ điều tiết nguồn nước tưới ổn định mà còn phát huy tác dụng tiêu thoát lũ nhanh và giữ được mạch nước ngầm để phục vụ cho các công trình nước sinh hoạt cho người dân trong xã và các xã lân cận. Bây giờ công trình hoàn thành, các giếng nước phục vụ sinh hoạt cho gia đình trong vùng lúc nào cũng đầy nước, không còn cảnh thấp thỏm mỗi khi mùa khô đến”.
Đáng chú ý, đập dâng Cây Gai sau khi được sửa chữa, nâng cấp đã đảm bảo khả năng cung cấp nước tưới cho gần 2.200 ha đất canh tác nông nghiệp và 100 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tại huyện Phù Cát và Phù Mỹ; trong đó huyện Phù Cát là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ công trình này.
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Đến nay, tôi có thể khẳng định, hệ thống đập dâng Cây Gai đã đáp ứng nguồn nước, phục vụ tưới cho hàng ngàn hecta đất trồng lúa và cây trồng cạn ở các xã ở cánh Tây và cánh Bắc của huyện, nhất là xã Cát Lâm, Cát Hanh và Cát Tài. Thay mặt lãnh đạo huyện, tôi gửi lời cảm ơn đến UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện để đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình, góp phần đem lại những hiệu quả hết sức thiết thực này”.
TRỌNG LỢI