Ðộc đáo bả trạo Bình Ðịnh
Hát bả trạo hay còn gọi là chèo bả trạo, là một loại hình nghệ thuật dân gian mang tính nghi lễ của cư dân ven biển thường có trong các lễ hội cầu ngư, nhằm ca ngợi công đức của cá Ông (Nam Hải thần ngư) phò hộ ngư dân có cuộc sống an lành, no đủ. Trong các tỉnh miền Trung, bả trạo Bình Ðịnh có nhiều nét độc đáo mang bản sắc riêng.
Đội bả trạo Nhơn Hải biểu diễn tại Lễ hội cầu ngư xã Nhơn Hải năm 2018.
Sản sinh từ Bình Định!
Theo một số nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà soạn tuồng hát bội Nguyễn Diêu (1822 - 1880, hiệu Quỳnh Phủ, thường được gọi là cụ Tú Nhân Ân) sau khi viết xong tuồng “Hát bội Bả trạo” giao cho học trò là Dương Đồng Luân, ông Luân giao lại tuồng bả trạo cho học trò là ông bầu Đê dàn dựng, dạy lại ngư dân Bình Thái, Nhơn Ân. Gánh hát bả trạo của ông bầu Đê lưu diễn rồi phát triển đến các làng chài xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (Quy Nhơn) và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Sau đó, ông Bính (nghệ danh là bầu Thừa) là học trò của bầu Đê, vào lập nghiệp tại làng chài Cửa Bé (tỉnh Khánh Hòa) lập gánh hát bả trạo, biểu diễn tại vạn chài Cửa Bé và các làng chài khác, góp phần phổ biến vở tuồng này lan tỏa đến các tỉnh khác ven biển từ Bình Thuận ra đến Quảng Nam.
“Thiết nghĩ, nghệ thuật bả trạo vừa là di sản văn hóa, vừa mang tín ngưỡng tâm linh của ngư dân miền biển. Mong rằng tỉnh Bình Ðịnh cần đề xuất Bộ VH-TT&DL công nhận nghệ thuật bả trạo Bình Ðịnh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như các di sản khác đã được công nhận, như: võ cổ truyền Bình Ðịnh, hát bội Bình Ðịnh, bài chòi Bình Ðịnh”, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn An Pha nêu ý kiến.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn An Pha, phân tích: Nguyễn Diêu viết vở tuồng “Hát bội Bả trạo” hòa quyện giữa tâm linh và nghệ thuật, gồm ba hồi: Ra khơi đánh bắt; Gặp bão tố, nhờ Ông cứu giúp và khải hoàn trở về. Các nhân vật chính trong tuồng hát gồm: Tổng Mũi (Tổng sanh), Tổng Khoang (Tổng thương), buôn bán trên thuyền…; Tổng lái (Tổng hậu). Bên cạnh đó còn có các nhân vật khác như: Lồng đèn, Bồ Hổ, 1 Cờ hiệu (nhân vật hề) và các quân trạo (tay chèo - tùy theo số lượng). Các nhân vật được hóa trang theo lối tuồng cổ; tổng lái mặt xấp xiêm, đội mũ tuồng; tổng sanh và tổng thương mặc trang phục dân gian; bồ hổ, lồng đèn thường mặc đồ màu đen; riêng các quân trạo mặc đồng phục cùng màu, đầu chít khăn.
“Nghệ thuật bả trạo được xây dựng trên nền tảng của điệu hò đưa linh trong lễ rước cá Ông vào lăng thờ của ngư dân Bình Định xưa, diễn tả cảnh buồn đau, mất mát. Khi trình diễn nghệ thuật bả trạo, người ta vừa múa, vừa hát, mang tính trình diễn nghệ thuật cao về trình thức sân khấu, gắn với nghệ thuật diễn xướng dân gian và nghệ thuật biểu diễn có tuồng tích, chương hồi” - biên đạo múa Phạm Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH - TT TP Quy Nhơn - người khá am hiểu về hát bội, hát bả trạo cho biết thêm.
Giữ gìn nét đẹp quê hương
Mãi đến khi thăm đội bả trạo Bình Thái (huyện Tuy Phước), tôi mới ngỡ ngàng hối lỗi, NNƯT Hồ Thành Long, người dẫn dắt đội bả trạo nổi tiếng bậc nhất tỉnh ta không còn đủ sức khỏe để tiếp tục. Dầu vậy, với niềm hâm mộ, tự hào về nghệ thuật hát bả trạo quê mình, ông vẫn gắng chia sẻ: “Giờ tôi đi lại khó khăn, nhưng tôi vẫn đang liên hệ tìm người thay vai tổng sanh của tôi, động viên đội trạo tiếp tục duy trì, như vậy tôi mới yên tâm”.
Ông Nguyễn Xuân Thọ, đội trưởng đội bả trạo xã Nhơn Lý, cho biết: “Nghệ thuật hát múa bả trạo ở địa phương có từ rất lâu đời, song đã bị mai một, đến năm 1998, xã mới chính thức phục dựng đội bả trạo và duy trì cho đến nay. Đội bả trạo xã Nhơn Lý hiện có 21 người, gồm: tổng sanh, tổng lái, tổng thương, 2 lồng đèn, 2 bồ hổ và 14 quân trạo. Tuy nhiên, việc tìm người biết hát, diễn tuồng để tiếp nối các vai tổng cũng hơi khó, bởi hầu hết các thành viên của đội đều đã lớn tuổi!”.
Năm 2013, xã Nhơn Hải thành lập đội bả trạo để biểu diễn trong lễ hội cầu ngư. Ông Nguyễn Văn Minh, đội trưởng đội bả trạo xã Nhơn Hải trăn trở: “Từ khi thành lập đội bả trạo đã góp thêm sắc màu trong lễ hội cầu ngư ở địa phương, được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, người tham gia múa trạo thì không thiếu, song để tìm được người biết hát bội để đóng các vai: Tổng sanh, tổng thương, tổng lái thì khó vô cùng, trong khi những người đóng vai tổng đều đã lớn tuổi. Nếu không có sự quan tâm của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, tôi e rằng nghệ thuật bả trạo ở địa phương sẽ mai một trong nay mai!”.
THẢO KHUY - NGỌC NHUẬN
1- Cơ sở nào để tác giả bài báo khẳng định Bả Trạo 'sản sinh từ Bình Định"? Bả Trạo hình thành cùng với Lễ hội cầu ngư (ra đời sau khi Gia Long lên ngôi). 2- Bài báo dẫn lời ông Nguyễn An Pha "đề xuất Bộ VH-TT&DL công nhận nghệ thuật bả trạo Bình Ðịnh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia" (!?). Chẳng lẽ tác giả và ông Pha không biết rằng, mới đây (26-2-2019), Bộ VHTT&DL đã trao bằng chứng nhận hát bả trạo là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho huyện Núi Thành (Quảng Nam)?