Vì một nghề cá có trách nhiệm
Tỉnh ta đã và đang nỗ lực cụ thể hóa Luật Thủy sản gắn với việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm hướng đến một nghề cá có trách nhiệm, là cơ sở để thuyết phục Ủy ban châu Âu xóa bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Theo Sở NN&PTNT, trong bối cảnh Việt Nam phải chứng minh, thuyết phục Ủy ban châu Âu (EC) tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, từ tháng 8.2018 Bộ NN&PTNT đã chọn tỉnh Bình Định làm điểm triển khai Luật Thủy sản năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019) và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về chống khai thác thủy sản (KTTS) bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Nỗ lực đáng ghi nhận
Từ cơ sở này, tỉnh ta nhanh chóng xây dựng, phê duyệt Đề án thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp, qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, KTTS theo quy định IUU. Ví dụ như trước đây, ngư dân không thực hiện hoặc có thực hiện việc ghi chép nhật ký hành trình KTTS mỗi chuyến biển theo kiểu đối phó thì nay, phần việc này đã được ngư dân thực hiện khá nghiêm túc.
Ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tàu cá ra vào cảng cá Quy Nhơn.
Chủ tàu BĐ 91485-TS, ông Phan Văn Thợ, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn, cho hay: Ghi chép nhật ký KTTS của mỗi chuyến biển là cơ sở để ngành chức năng xem xét, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chúng tôi. Hơn nữa, thông qua việc ghi chép, báo cáo sản lượng thủy sản khai thác được, giúp ngư dân tính toán được hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển, để tái đầu tư cho chuyến sau.
Ngư dân Bùi Thanh Ninh, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “Thực tế chứng minh ghi nhật ký hành trình KTTS là hết sức cần thiết, nhất là đối với đội tàu đánh bắt cá lớn như của gia đình tôi. Nhờ ghi chép chi tiết, cẩn thận, nên dù ở trên bờ, mỗi khi tôi yêu cầu, các thuyền trưởng tàu cá của tôi ở ngoài khơi đều có thể cung cấp chính xác đến từng loại, sản lượng thủy sản, chi tiết hành trình... Trên cơ sở đó, tôi liên hệ với các DN mua bán thủy sản, điều tàu đưa sản phẩm về các cảng cá trong nước để bán”.
“Có thể nói, bằng việc buộc phải ghi nhật ký hành trình KTTS, Nhà nước đã giúp ngư dân giảm bớt chi phí sản xuất, vận chuyển, lợi nhuận của hoạt động sản xuất nhờ thế tăng thêm khá nhiều!”
Ngư dân Bùi Thanh Ninh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn)
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), qua công tác tuyên truyền, vận động, có 3.600 chủ tàu đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Hoạt động KTTS cũng được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, có 22.057 lượt tàu xuất và nhập bến các cảng cá trong tỉnh được kiểm tra các thủ tục cần thiết. Các đơn vị cũng đã xác nhận 17.065 tấn thủy sản và chứng nhận 5.663 tấn thủy sản thành phẩm cho các DN, cơ sở thu mua thủy sản và ngư dân. Tỉnh ta cũng đã xử phạt 3 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ với số tiền 255 triệu đồng. Nhờ vậy, từ ngày 11.10.2018 đến nay không có tàu cá của Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Tiếp tục duy trì các giải pháp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu khẳng định: Việc cụ thể hóa các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 là giải pháp quan trọng để tỉnh ta hướng đến một nghề cá có trách nhiệm và bền vững, là cơ sở để chứng minh, thuyết phục EC xóa bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Vì vậy, năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện các nội dung tại Đề án thực thi Luật Thủy sản năm 2017 của tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tăng cường để kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến theo quy định và giám sát hoạt động KTTS trên biển. Bố trí lực lượng túc trực tại các cảng cá để kiểm tra, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Mặt khác, phối hợp với ngành chức năng củng cố hồ sơ xử phạt các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài trong năm 2018 theo quy định. Phấn đấu đảm bảo 100% các xã, phường có hoạt động nghề cá trong tỉnh được phổ biến, tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC. Phấn đấu 100% tàu cá KTTS vùng biển lộng, vùng khơi được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế khi xuất bến; 100% tàu cá có và thực hiện ghi chép nhật ký KTTS đúng quy định.
PHẠM TIẾN SỸ