Không chủ quan với bệnh bướu cổ
Theo báo cáo của mạng lưới i-ốt toàn cầu, Việt Nam là một trong 19 nước có tình trạng thiếu i-ốt nghiêm trọng nhất. Năm 2005, Bình Ðịnh đã thanh toán được bệnh bướu cổ, dù vậy, vài năm gần đây, bệnh bướu cổ và tỉ lệ bao phủ muối i-ốt có lúc không đảm bảo.
Đề tài “Nghiên cứu tỉ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em 8 -10 tuổi và kiến thức - thực hành của phụ nữ 18 - 49 tuổi về phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt tại tỉnh Bình Định năm 2015” cho thấy tỉ lệ mắc bệnh bướu cổ chung là 6,6% (tỉ lệ đạt là 5%), riêng khu vực miền núi lên đến 11,7%, trung du là 6,7%, đồng bằng 6,5% và thành thị là 5%; i-ốt niệu trung vị là 15,99mcg/dl, độ bao phủ muối đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 85,8%.
Ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân, bướu cường giáp (basedow), suy giáp…
- Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị bướu cổ tại khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh.
Theo BS CKII Hoàng Xuân Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỉ lệ độ bao phủ i-ốt có lúc xuống thấp có nhiều nguyên nhân như: Chương trình mục tiêu quốc gia không còn; hoạt động truyền thông phòng chống giảm; đặc biệt là do ý thức chủ quan của người dân. Hiện tại, hằng năm, Trung tâm đều tổ chức các chiến dịch truyền thông vào Ngày quốc gia phòng chống bướu cổ và các rối loạn do thiếu i-ốt (2.11); vận động người dân mua và sử dụng muối i-ốt. Nhờ đó, năm 2018, tỉ lệ mắc bệnh bướu cổ chung là 2,34%, độ bao phủ muối là 97,5%; i-ốt niệu trung vị trên 10mcg/dt, đủ tiêu chuẩn phòng bệnh.
Bướu cổ chỉ là một hậu quả của việc thiếu i-ốt. Thiếu i-ốt còn gây thiểu năng về trí tuệ. Ðặc biệt thiếu i-ốt trong giai đoạn bào thai thường gây những tổn thương về não bộ như phù niêm và những tác hại khác ảnh hưởng đến trí tuệ, thể chất, tâm lý, sẩy thai, đẻ non... Vì vậy, người dân nên sử dụng muối i-ốt.
Liên quan đến nội tiết tố, quá trình sinh đẻ nên phụ nữ có tỉ lệ mắc bướu cổ cao hơn nam giới. Cách đây 2 năm, khi vô tình phát hiện khối u ở cổ, chị Trương Thị Thùy, ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) đi khám và được bác sĩ kết luận mắc bệnh bướu cổ, kê đơn thuốc uống điều trị. “Tôi uống thuốc được 3 tháng thì ngưng vì sinh con, đến khi bướu phát triển với kích thước ngày càng lớn hơn, có triệu chứng chèn ép thực quản khiến việc ăn uống khó khăn hơn, tôi đi khám và được nhập viện để chờ phẫu thuật, điều trị tại khoa Ung bướu (BVĐK tỉnh)”, chị Thùy bộc bạch.
Bác sĩ Nguyễn Đức Thắng, khoa Ung bướu (BVĐK tỉnh) chia sẻ, nguyên nhân của bệnh bướu cổ không xác định được, có những trường hợp người bệnh phát hiện bệnh qua siêu âm. Có các loại bệnh bướu cổ, như: bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân, bướu cường giáp (basedow), bướu suy giáp… Bệnh bướu cổ đơn nhân, đa nhân thì có bướu lành tính hoặc ác tính. Hiện tại, khoa Ung bướu chỉ điều trị bệnh bướu giáp nhân, đối với bệnh bướu cổ cường giáp (basedow), bướu suy giáp sẽ được điều trị tại khoa Nội tiết.
“Khi phát hiện bệnh bướu cổ, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, xét nghiệm chọc hút tế bào để xác định chức năng tuyến giáp. Một số trường hợp bướu dưới 1 cm thì bệnh nhân chỉ cần khám và theo dõi bệnh định kỳ 3 - 6 tháng/lần; đối với các trường hợp bướu cổ có kích thước lớn, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc một bên thủy tuyến giáp. Sắp tới, khoa Ung bướu cũng sẽ triển khai kỹ thuật đốt nhân giáp bằng sóng cao tần, tuy nhiên, việc điều trị bằng kỹ thuật này chi phí sẽ rất cao”, bác sĩ Thắng cho biết.
THẢO KHUY - NGỌC NHUẬN