Phòng chống dịch bệnh heo châu Phi lây lan ra diện rộng: Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt
(BĐ) - Ngày 4.3, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai cấp bách khống chế dịch tả heo (DTH) châu Phi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính thị phải vào cuộc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp để dập tắt, không để DTH châu Phi lây lan ra diện rộng. Chủ trì hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu và đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành dự hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai cấp bách khống chế dịch tả heo châu Phi
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, DTH châu Phi đã xuất hiện tại 20 quốc gia. Riêng tại nước ta, dịch bệnh đã xảy ra trên đàn heo của 202 hộ tại 33 xã thuộc 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà nội, Hà Nam và Hải Dương). Đáng lo ngại là loại dịch bệnh này do virus gây ra, tồn tại trong môi trường với thời gian dài, tốc độ lây lan nhanh, heo bị nhiễm bệnh chết 100%. Hiện chưa có thuốc đặc trị dịch bệnh nguy hiểm này. Do dịch bệnh không lây nhiễm sang người nên nhiều hộ chăn nuôi chủ quan, và vì lợi ích kinh tế trước mắt, không khai báo heo bị dịch mà tự giết mổ hoặc bán cho thương lái đã làm cho dịch bệnh lây lan nhanh. Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm khoanh vùng, khống chế các ổ dịch; kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển heo và chỉ đạo ngành Nông nghiệp 63 tỉnh, thành lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện, xử lý dịch bệnh; hướng dẫn người dân áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học…
Tại hội nghị, nhiều tỉnh thành đã xảy ra dịch bệnh heo châu Phi báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống, dập DTH châu Phi. Riêng tại tỉnh ta, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn và chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại và các biện pháp phòng chống. Ngành chức năng của tỉnh cùng các địa phương đã sử dụng thuốc Thú y để tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi; tiêm vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm; tăng cường công tác kiểm dịch động vật tại nguồn, đồng thời kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển từ các tỉnh khác. Mặt khác, hướng dẫn người dân đầu tư chăm sóc gắn với bảo vệ dịch bệnh cho vật nuôi…
Nguồn: BTV
Nhận định DTH châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến kinh tế, an sinh xã hội và môi trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp. Để làm tốt nhiệm vụ trên, các cấp, các ngành, địa phương và người chăn nuôi phải chấp hành nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20.2.2019 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống DTH châu Phi, trong đó, Bộ TT&TT phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại và cách phòng chống dịch, không để người dân hoang mang, quay lưng với thịt heo. Bộ NN&PTNT và chính quyền các địa phương phân tích, đánh giá về thực trạng, đồng thời triển khai cấp bách các biện pháp trước mắt và lâu dài, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan. Bộ Tài chính xem xét định mức, nguồn lực báo cáo Chính phủ để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch và hỗ trợ cho người dân có gia súc bị thiệt hại do dịch bệnh. Chính quyền các địa phương chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn, vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, nhất quyết không được dấu dịch, không mua bán, giết mổ, vứt xác hoặc tự xử lý heo bị dịch bệnh và không sử dụng thức ăn chăn nuôi dư thừa trong vùng dịch. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi.
T.SỸ