Ôn tập thi THPT quốc gia năm 2019: Thầy trò cùng nỗ lực
Tại Hội thảo hướng dẫn học sinh ôn thi THPT quốc gia năm 2019 (do Sở GD&ÐT tổ chức trong hai ngày 28.2 và 1.3 tại TP Quy Nhơn), gần 500 giáo viên cốt cán đang dạy lớp 12 của các trường THPT và đơn vị trực thuộc Sở GD&ÐT đã cùng thảo luận tìm giải pháp giúp học sinh ôn thi hiệu quả.
Các giáo viên môn tiếng Anh thảo luận sôi nổi tại Hội thảo hướng dẫn học sinh ôn thi.
Thầy Nguyễn Minh Hà, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đưa ra giải pháp xử lý các bài Đọc - Hiểu (Reading) - giúp học sinh có học lực trung bình, trung bình yếu kiếm điểm (lâu nay đối tượng học sinh này thường bỏ qua phần này).
Theo thầy Hà, đề minh họa môn tiếng Anh của Bộ GD&ĐT có 2 bài Đọc - Hiểu, bài thứ nhất ngắn hơn với 5 câu hỏi trắc nghiệm, bài thứ hai dài hơn, cấp độ từ cũng khó hơn với 8 câu hỏi trắc nghiệm. Thống kê nội dung câu hỏi từ năm 2007 đến nay, thầy Hà khẳng định, cách đặt 13 câu hỏi của các bài Đọc - Hiểu hàng năm đều tương tự nhau. Chẳng hạn, câu đầu tiên thường hỏi về đại ý của đoạn văn đó, câu thứ hai yêu cầu tìm một đại từ nhân xưng hoặc đại từ chỉ định thay thế cho một cụm từ ở trước, câu thứ 3 là câu hỏi suy luận, câu thứ 4 hỏi về các dữ kiện trong bài… Thầy Hà đề xuất: “Trước hết, các thầy cô hãy dạy học sinh hiểu rõ nội dung của 13 câu hỏi này. Tập các em nhận diện từ then chốt (key word) trong một câu hỏi rất dài, chỉ cho các em cách nhìn vào bài đọc, tìm từ then chốt đó nằm đâu thì chỗ đó là khu vực thông tin. Các đồng nghiệp cũng nên rèn cho các em thói quen đưa các câu trả lời về tỉ lệ xác suất cao nhất có thể, để việc lựa chọn đến được gần nhất với đáp án đúng”.
Với môn Ngữ văn, các giáo viên xác định tỉ lệ câu hỏi ở mức vận dụng trong đề chính thức sẽ có khả năng nhiều hơn năm ngoái. Chính vì vậy, thầy cô phải giúp học sinh vận dụng tư duy độc lập của mình để trả lời câu hỏi chứ nếu chỉ học thuộc lòng thì khó mà làm đề thi một cách trọn vẹn. Theo thầy Võ Công Trí, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trước hết, học sinh phải nắm thật vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. “Còn nếu muốn đạt điểm cao, các em phải trang bị cho mình năng lực vận dụng kiến thức. Điều này đòi hỏi các em phải đầu tư nhiều, không chỉ kiến thức trong sách vở mà còn thông qua vốn sống, trải nghiệm”, thầy Trí khuyên.
Riêng với các môn trong hai bài thi tổ hợp, các giáo viên dạy ôn lâu năm thống nhất nên dạy các em ôn tập theo chủ đề và tăng cường hướng dẫn các em biết cách làm việc với sách giáo khoa.
Nhiều năm phụ trách công tác ôn tập môn Lịch sử, thầy Huỳnh Tấn Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Hoài Nhơn) đúc kết, đối với câu hỏi, bài tập khó, nếu học sinh chọn đáp án đúng thì giáo viên phải yêu cầu các em giải thích vì sao chọn đáp án đó. Nếu học sinh không nói được thì thầy cô phải giải thích cặn kẽ để các em hiểu và khắc sâu kiến thức.
Trong khi đó, các thầy cô dạy môn Toán khuyên học sinh ôn thật kỹ lý thuyết cơ bản theo hướng: phần nào thời gian học trên lớp nhiều thì dành thời gian ôn nhiều hơn, chẳng hạn ở Giải tích lớp 12 có các nội dung: ứng dụng đạo hàm, nguyên hàm, số phức, phương pháp tọa độ trong không gian...
Cùng với việc dạy ôn tập trên lớp, hiện nay, trên mạng có nhiều kênh thông tin hay, nhiều giáo viên cốt cán cho rằng, các thầy cô nên trang bị kiến thức về công nghệ thông tin để soạn đề gởi học sinh, giúp các em làm bài; tăng cường tương tác qua facebook, zalo... để giúp các em tháo gỡ khúc mắc trong quá trình học ôn.
Hoan nghênh tinh thần làm việc rất trách nhiệm của các thầy cô suốt thời gian hội thảo tìm kiếm giải pháp ôn thi hiệu quả cho học sinh lớp 12, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT mong muốn đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ làm tốt công tác chia sẻ lại thông tin cho giáo viên tại đơn vị mình.
Ông Tuấn chỉ đạo: “Tùy vào đối tượng học sinh của mình, các thầy cô triển khai áp dụng phương pháp ôn tập phù hợp. Thời gian tăng tốc ôn tập này đòi hỏi cả thầy và trò cùng nỗ lực, đặc biệt, chú trọng tăng cường sự tương tác giữa hai bên. Riêng với đối tượng học sinh có học lực yếu kém, sự nỗ lực càng gấp bội phần. Tôi tin tưởng các nhà trường sẽ thực hiện tốt công tác ôn tập trong năm nay - tất cả vì học sinh thân yêu và đáp ứng được yêu cầu đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT”.
NGỌC TÚ