Tình trạng doanh nghiệp chây ỳ nộp tiền thuê lại đất KCN: Gian nan chuyện đòi nợ
Ông Vương Phiêu Linh
Thời gian qua, tình trạng DN nợ tiền thuê lại đất tại 2 khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ (TP Quy Nhơn) không chỉ ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước, mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. PV báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Vương Phiêu Linh, Giám đốc Công ty CP Ðầu tư và xây dựng Bình Ðịnh về vấn đề này.
* Xin ông cho biết tình hình cho các DN thuê lại đất KCN thời gian qua?
- Công ty CP Đầu tư và xây dựng (ĐT&XD) Bình Định hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký DN với mã số 4101137456 ngày 1.9.2010 và là chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Phú Tài, Long Mỹ. Theo quy hoạch được phê duyệt thì tổng diện tích đất của 2 KCN Phú Tài và Long Mỹ là gần 463,5 ha. Trong số này, đất cho DN thuê lại là trên 346 ha, đất hạ tầng chung là 117,4 ha… Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn song Công ty CP ĐT&XD Bình Định đã nỗ lực cải tạo, xây dựng, nâng cấp hạ tầng 2 KCN Phú Tài, Long Mỹ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các DN được thuê lại đất, giúp các DN phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại 2 KCN Phú Tài, Long Mỹ hiện có 140 DN đang thuê lại đất KCN với tổng diện tích gần 316 ha. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trong 2 KCN ngày càng phát triển và có đóng góp khá cao cho ngân sách của tỉnh. Tiêu biểu trong số này là Chi nhánh Công ty CP bia Sài Gòn - Miền Trung tại Quy Nhơn; Chi nhánh Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Bình Định…
Chi nhánh Công ty CP bia Sài Gòn - Miền Trung tại Quy Nhơn là một trong những DN thuê đất hiệu quả và đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.
* Còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc?
- Mặc dù đạt được những kết quả như đã nêu trên, song chúng tôi gặp không ít khó khăn, nhất là tình trạng DN chây ỳ nộp tiền thuê lại đất KCN. Hiện có tới 60 trong tổng số 140 DN còn nợ tiền thuê lại đất. Trong đó, nhiều DN nợ đọng lớn, kéo dài qua nhiều năm, đặc biệt có một số DN có diện tích đất thuê lớn, sản xuất không hiệu quả đã chiếm hơn phân nửa số nợ (khoảng gần 51 tỉ đồng). Điển hình trong số này là: Công ty CP Thương mại Sản xuất Duyên Hải (diện tích đất thuê gần 133.311 m2 , còn nợ gần 11 tỉ đồng); Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Quý Châu (hơn 53.537 m2, nợ gần 9,8 tỉ đồng); Công ty CP Thương mại Sản xuất Khải Vy Quy Nhơn (75.625 m2 , nợ hơn 7,94 tỉ đồng); Công ty CP Phước Hưng (gần 105.905 m2 , nợ hơn 3,4 tỉ đồng); Công ty CP Sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng (gần 29.182m2, nợ gần 2,3 tỉ đồng); Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Minh (gần 18.927 m2 , nợ gần 2,1 tỉ đồng); Công ty TNHH Tân Long Granite (gần 24.788 m2 , nợ gần 1,7 tỉ đồng)…
* Tình trạng trên đã gây ra những hậu quả nào, thưa ông?
- Tất nhiên là ảnh hưởng rất xấu.Việc nợ đọng không chỉ gây nhiều khó khăn cho Công ty trong việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp hạ tầng KCN, mà còn ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách Nhà nước. Nghịch lý là trong khi một số DN chây ỳ không chịu nộp tiền thuê lại đất, thậm chí sử dụng vốn để kinh doanh lĩnh vực khác, thì hàng năm Công ty chúng tôi vẫn phải nai lưng đóng đủ tiền thuế cho Nhà nước…
Không chỉ có vậy, trong khi không chịu nộp tiền thuê lại đất, nhưng một số DN lại tìm cách cho thuê lại đất, thậm chí “bán sang tay” để kiếm lời. Đáng lưu ý là trường hợp của 3 DN: Công ty TNHH Thanh Bình, Công ty TNHH Sơn Hải, DNTN Nam Bình. 3 DN này không đóng tiền thuê lại đất, thậm chí có biểu hiện lợi dụng cho thuê lại để kiếm lời…
* Vậy giải pháp nào để xử lý tình trạng trên?
- Để xử lý tình trạng kể trên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cơ quan, ban, ngành.Với những DN thực sự khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có thể cho dãn nợ, trả chậm. Nhưng với những DN có biểu hiện chây ỳ thì phải cương quyết, thậm chí khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên, cũng phải nói ngay là muốn thực hiện điều này cũng không đơn giản vì thực tế, có những vụ tòa đã xử nhưng thi hành án rất khó khăn. Ví dụ, về đất đai thì DN có thể đã thế chấp cho ngân hàng, tài sản thì chẳng còn lại bao nhiêu. Theo chúng tôi, với những DN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và cơ quan chức năng nên xử lý cho phá sản, tiến hành thu hồi đất để cho DN khác có năng lực thuê lại… Tôi nghĩ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ quan chức năng nên quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)