Lễ hội Ðô thị Nước Mặn
Ngày 5.3 (ngày 29 tháng Giêng Kỷ Hợi), tại di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) diễn ra Lễ hội Ðô thị Nước Mặn. Ðến đây, du khách vừa được trẩy hội, gieo niềm hy vọng vừa được đắm mình trong không gian văn hóa đa dạng, mường tượng đến cảng thị sầm uất một thời.
Du khách dâng hương lễ Bà.
Đến thăm thôn An Hòa những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, hẳn du khách sẽ cảm nhận được không khí nơi đây không hề xô bồ, náo nhiệt mà đầm ấm, nhẹ nhàng. Như sự tự ý thức, những ngày này, người dân nơi đây luôn quét tước dọn dẹp nhà cửa, đường làng gọn gàng, sạch sẽ. Tại di tích Chùa Bà, dù du khách ngày nào cũng đông nhưng cảnh hương khói không làm người đến cảm thấy ngột ngạt.
Nơi chốn tìm về
Ông Huỳnh Thái Sơn (78 tuổi, thành viên Ban Quản lý di tích) cho biết: “Từ Tết đến giờ du khách ngày nào cũng đông, người đến cầu may, người đến viếng thăm, không chỉ khách ở trong tỉnh mà có nhiều đoàn từ Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh... Với lượng du khách như vậy, tại chánh điện luôn có người trực để canh lượng hương vừa đủ, đảm bảo sức khỏe và sự thoải mái cho du khách”.
Chương trình Lễ hội Ðô thị Nước Mặn gồm phần lễ và phần hội:
Phần lễ gồm: Lễ Nghinh thần - Rước sắc - Rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục (ngày 5.3); Lễ Cầu an (ngày 6.3); Lễ Tế bà; hát lễ (ngày 7.3); múa lân, biểu diễn võ thuật; đánh trống khai hội; dâng hương (chiều 7.3).
Phần hội gồm: Ðánh bài chòi cổ (tối 5.3, cả ngày và tối 6.3); các trò chơi dân gian (cả 6.3); thi đấu bóng chuyền (chiều 6.3 và sáng 7.3); hát tuồng (tối 7 - 9.3).
Đến từ Gia Lai và không xa lạ gì với Lễ hội Đô thị Nước Mặn, gia đình chị Nguyễn Huỳnh Tuyết Mai (40 tuổi) đã nhiều lần đến viếng thăm Chùa Bà. Chị Mai chia sẻ: “Gia đình tôi đã nhiều lần đến đây, năm nay, chính lễ nhằm vào thứ Ba nên chúng tôi đi trước vào cuối tuần, không chỉ tôi viếng Bà, tôi còn coi đây như một dịp dạy các con hướng về sự lương thiện, ham học tập. Với chúng tôi, Chùa Bà là địa chỉ tâm linh khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi”.
Hằng năm, để lễ hội có ấn tượng tốt trong lòng du khách, mỗi dịp Lễ hội Đô thị Nước Mặn diễn ra, các cấp, ngành huyện Tuy Phước phối hợp tổ chức để tránh tình trạng kẹt xe, xin ăn, theo dõi đảm bảo ANTT, kiểm soát giá cả... Dù vậy, với người dân nơi đây, niềm vui, lòng tự hào mới chính là điều họ hướng đến.
“Tôi bán nước tại Chùa Bà đã nhiều năm, không ai “chặt chém” du khách cả. Hơn nữa, hương khói, hay nước để lễ Bà càng không tăng giá vì trong sâu xa chúng tôi luôn muốn du khách có suy nghĩ thật tốt về nơi mình sống. Mấy năm gần đây, năm sau bao giờ cũng đông khách hơn năm trước, chúng tôi coi trọng sự chân thật, không vì một ít tiền trong mấy ngày mà gây xấu cho Lễ hội, mang tội chết!” - chị Hồ Thị Thanh Thủy, người bán nước gần Chùa Bà tâm sự.
Trải lòng với quá khứ
Đến với Lễ hội Đô thị Nước Mặn du khách không chỉ đến với một địa chỉ tâm linh mà còn là dịp quay về quá khứ vàng son một thời của vùng cảng thị sầm uất, nơi giao thương của những thuyền, tàu lớn trên thế giới.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân (trong Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền): “Thời phồn vinh, Nước Mặn có đường hàng hải quốc tế của người Bồ Đào Nha đi lại buôn bán với Vuconva, Luzon (Philippines), Malaysia. Macao và có lẽ cả Nhật Bản”. Theo đó, Nước Mặn có tên trên nhiều bản đồ hàng hải quốc tế, cho thấy quy mô cảng thị lúc đương thời. Cùng với đó, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, khi tỉnh công nhận và xếp hạng “Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ” là di tích lịch sử cấp tỉnh đã mở ra cánh cửa để du khách được dịp viếng thăm 2 di tích ý nghĩa trên cùng một vùng đất.
Theo ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước, Lễ hội Đô thị Nước Mặn năm nay sẽ tái hiện khung cảnh lễ hội cổ truyền. Nhiều hoạt động truyền thống với những nghi lễ dân gian được tổ chức bài bản, phần hội với các trò chơi dân gian, bài chòi sẽ mang đến du khách nhiều trải nghiệm đậm đà bản sắc văn hóa.
Khi đã trải nghiệm không gian Lễ hội Đô thị Nước Mặn và viếng thăm nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, du khách có thể đi xa hơn một chút, đến với Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi có nhà in là một trong 3 nhà in đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây gắn với quá trình hình thành chữ Quốc ngữ.
THẢO KHUY