Tiêu rớt giá, người trồng lao đao
Vài năm gần đây, giá tiêu hạt liên tục xuống dốc, khiến nông dân trồng tiêu cả nước, trong đó có tỉnh ta, như ngồi trên “đống lửa”. Ðáng nói, cây hồ tiêu tại tỉnh ta không nằm trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp.
Ông Lê Văn Chức rầu rĩ khi cây tiêu vụ 2019 sai trái, chắc hạt nhưng giá mua lại quá thấp, nguy cơ thua lỗ nặng.
Giá tiêu thấp
Ông Lê Văn Chức, 53 tuổi - đã 30 năm trồng tiêu ở xóm 1, thôn Hội An, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), cho biết: “Giá hạt tiêu khô đang được thương lái thu mua dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg; thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Cách đây 3 - 4 năm, mức giá lên tới 150 - 200 ngàn đồng/kg”.
Ông Chức nằm trong “top” những hộ có diện tích hồ tiêu lớn ở xã Ân Thạnh với 800 trụ. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng thu hoạch luôn đạt bình quân 2 - 3 tấn hạt tiêu khô/năm. Với 3 tấn tiêu vào thời điểm thu hoạch, giá chưa tới 100 ngàn đồng/kg nên ông quyết định “găm hàng” đợi giá lên. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, nhận thấy giá tiêu tiếp tục rớt, không có dấu hiệu chững lại nên ông quyết định xuất bán một phần sản lượng. “Tôi bán 2 tấn với giá 57.000 đồng/kg, so với mức giá giữa năm 2018 thì mất trên 100 triệu đồng”, ông Chức buồn bã.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thơm, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) cũng buồn nẫu ruột khi chứng kiến 1.300 trụ tiêu bắt đầu cho trái rộ. “Một trụ tiêu từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 4 năm. Tiền đầu tư trụ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho 1 trụ tiêu khá lớn. Với giá mua như hiện nay, tui chỉ mong huề vốn, chứ nói chi tới lãi”, ông Thơm giãi bày.
2 tấn hạt tiêu khô thu hoạch niên vụ 2018 của ông Lê Văn Chức vẫn chưa bán được do giá tiêu sụt giảm ở mức thấp.
Hạn chế mở rộng diện tích
Đến nay, toàn tỉnh có trên 650 ha hồ tiêu; trong đó, huyện Hoài Ân chiếm diện tích lớn nhất với 495 ha, huyện Hoài Nhơn 117 ha...
Cây hồ tiêu niên vụ 2019 ở các địa phương phát triển khá tốt, lượng hạt nhiều và chắc. Cơ quan chuyên môn ước tính năng suất sẽ vượt 12,2 tạ/ha. Song, với mức giá như hiện nay, nông dân gần như không có lãi, thậm chí phải bù lỗ.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: “Cây hồ tiêu không nằm trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Sở đã nhiều lần cảnh báo người dân không nên trồng và mở rộng diện tích, bởi Bình Định không phải là vùng đất có lợi thế về giống cây này; hơn nữa, cây tiêu có thị trường bấp bênh và dễ mắc bệnh”.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Định chưa phù hợp để trồng tiêu, do đó phẩm cấp, chất lượng hạt tiêu so với các tỉnh, thành trong cả nước không đồng đều cũng ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Ở góc độ địa phương, ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân và ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, đều cho rằng hồ tiêu là cây công nghiệp không bền vững, nên các huyện không khuyến khích người dân phát triển. Thế nhưng, người dân vẫn tự phát trồng một cách ồ ạt. Còn ông Hà Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh, nhận định: “Giá tiêu ở mức cao những năm trước đây là nguyên nhân khiến nông dân đổ xô trồng tiêu, bất chấp cảnh báo của địa phương và cơ quan chuyên môn”.
Trong bối cảnh giá tiêu sụt giảm như hiện nay, Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ yêu cầu phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế các huyện cần hướng dẫn người dân cách giữ, chăm sóc cây tiêu để tồn tại. Bên cạnh đó, người trồng tiêu cũng cân nhắc mức đầu tư vừa phải để giữ cây tiêu không bị chết yểu. “Theo quy luật, cứ 2 - 3 năm thì giá tiêu có sự biến động tăng, giảm. Do vậy, các địa phương cần rà soát, đánh giá thực trạng trồng cây hồ tiêu ở từng địa phương để định hướng, khuyến cáo và hạn chế tối đa việc người dân trồng hoặc mở rộng diện tích”, ông Hổ nói.
TRỌNG LỢI - VĂN LỰC