Kết quả khai quật di tích thành Hoàng Ðế lần thứ 6:
Bổ sung nhiều cứ liệu quan trọng
Sau hơn một tháng triển khai đợt khai quật khảo cổ học di tích thành Hoàng Ðế lần thứ 6, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Ban Quản lý Di tích tỉnh đã thu thập được nhiều cứ liệu quan trọng. PGS-TS Bùi Chí Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ - có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh để thông tin thêm về vấn đề này.
● Thưa ông, là người chủ trì đợt khai quật, ông có thể cho biết cụ thể quá trình tiến hành cuộc khai quật di tích thành Hoàng Đế?
- Cuộc khai quật lần này khảo sát một khu vực rộng lớn ở ngay sát bên ngoài Tử Cấm Thành - thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn), hướng đến việc xây dựng Đền thờ Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Trên cơ sở đó, hơn một tháng qua, đoàn khảo cổ đã phối hợp với các cán bộ của Ban Quản lý Di tích tỉnh Bình Định đào 27 hố khảo sát rải rác tại nhiều vị trí trên tổng diện tích khoảng 500m2. Cuộc khai quật kết thúc đúng hạn vào ngày 22.10. Chúng tôi đang tiếp tục xử lý các hiện vật, nghiên cứu những kết quả thu được, dự kiến hoàn thành trong vài tháng để có báo cáo, đánh giá một cách khoa học.
● Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về hiện vật tìm thấy trong đợt khai quật này?
- Tại một số hố khảo sát, chúng tôi đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm Chăm là gốm Gò Sành của Bình Định, gốm Chu Đậu thời nhà Lê, cùng một số loại gốm có nguồn gốc ngoại nhập như gốm thời nhà Minh của Trung Quốc. Ngoài ra, cũng phát hiện các mảnh ngói thời Tây Sơn, một số đồ gốm của thời nhà Nguyễn, đồ đất nung gia dụng mà cộng đồng cư dân địa phương sản xuất.
Do đây là khu vực nằm bên ngoài Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế, nên dấu tích các công trình kiến trúc tìm được không nhiều như những đợt khai quật trước đây trong khu vực Tử Cấm Thành. Dù vậy, chúng tôi cũng tìm thấy dấu tích những đường mương nước, hồ nước. Có một hố khảo sát tìm thấy ngói thời Tây Sơn đổ rất nhiều, có khả năng là một công trình nào đó mà hiện nay chưa rõ.
● Có thể đánh giá như thế nào về kết quả khai quật lần này?
“Tôi đánh giá rất cao giá trị đặc biệt của di tích thành Hoàng Đế, nên thực sự mong muốn rằng trong không gian xây dựng Đền thờ sắp tới cần có một khu vực trưng bày những hình ảnh, bản đồ, hiện vật… đã phát hiện được, đặc biệt là cuộc khai quật năm nay chúng tôi đang cố gắng phục chế lại được một số hiện vật giá trị. Khu vực trưng bày sẽ góp phần phát huy giá trị di tích, tạo nên sức hút du khách đến thăm quan Đền thờ trong tương lai”.
PGS-TS BÙI CHÍ HOÀNG, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.
- Qua cuộc khai quật lần này, chúng ta đã có thêm nhiều cứ liệu quan trọng để bổ sung vào những cứ liệu đã có về di tích thành Hoàng Đế từ 5 cuộc khai quật trước đây. Các cuộc khai quật đã khẳng định vai trò quan trọng của thành Hoàng Đế qua các thời kỳ lịch sử, nơi diễn ra nhiều hoạt động giao thương rất rộng với nhiều vùng khác nhau. Sự giao thương này không chỉ là về thương mại mà còn là văn hóa… Điều này được thể hiện qua nhiều hiện vật phát hiện ở đợt khai quật này, trong đó nhiều hiện vật giá trị có thể phục chế nguyên bản như các loại tô, bát gốm Gò Sành. Tuy nhiên, cuộc khai quật này mới dừng lại ở phạm vi khảo sát ban đầu, còn muốn tìm hiểu kỹ lưỡng hơn thì phải tiếp tục ở một khu vực rộng hơn.
● Dưới góc độ nhà khảo cổ học và là ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, ông có góp ý gì cho việc xây dựng Đền thờ Hoàng Đế Thái Đức-Nguyễn Nhạc?
- Việc tổ chức đợt khai quật lần này cho thấy sự quan tâm của tỉnh Bình Định trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa là phải tổ chức khai quật khảo cổ học tại khu vực di tích trước khi tiến hành xây dựng tu bổ, tôn tạo di tích. Từ kết quả cuộc khai quật, chúng tôi sẽ nghiên cứu để khoanh vùng những điểm cần bảo vệ, hoặc có điều kiện thì khai quật thêm để tìm hiểu rõ hơn, xác định khu vực phù hợp để xây dựng Đền thờ Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc.
Xây dựng Đền thờ Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc để tôn vinh người có công trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm đầy tự hào của dân tộc là điều hết sức có ý nghĩa. Việc xây dựng Đền thờ tại vị trí cụ thể ở đâu và như thế nào thì Sở VH-TT&DL nên tiếp tục có những cuộc họp bàn, tham vấn thêm ý kiến của nhiều nhà khoa học, để có được “không gian thiêng” phù hợp với truyền thống dân tộc nói chung và sự yêu kính triều đại Tây Sơn nói riêng.
● Xin cảm ơn PGS-TS.
HOÀI THU (Thực hiện)