Nghệ thuật cầm chầu
Có thể nói cầm chầu là nghệ thuật - một nghệ thuật có quy chuẩn độc đáo, dùng âm thanh của trống để giao tiếp, nên mỗi tiếng phát ra từ trống chầu đều có những ý nghĩa nhất định. Việc cầm chầu trong đêm hát tuồng không hề đơn giản, không phải ai cũng làm được.
Người cầm chầu ngoài vốn Nho học uyên bác còn phải am hiểu về tuồng tích và nghệ thuật biểu diễn để cảm nhận tinh tế và khen chê đúng mức động tác diễn, chất giọng, cách thể hiện từng câu Nam, câu Xuân, câu Lối của diễn viên trên sân khấu. Vì vậy, người cầm chầu ngày xưa thường là các vị quan lại, chức sắc hoặc các vị trưởng lão tại địa phương tổ chức biểu diễn hát bội.
Tìm hiểu những nét độc đáo của nghệ thuật cầm chầu, chúng ta có thể thấy đó là cả một quá trình thống nhất theo những nguyên tắc nghiêm ngặt. Khi sắp bắt đầu buổi diễn, người cầm chầu “hỏi” đoàn hát đã chuẩn bị xong chưa bằng hai tiếng trống nhẹ, hơi gằn “rụm rụm”. Dàn nhạc lúc này với trống chiến có vai trò “nghênh tiếp” trống chầu. Nếu chuẩn bị xong, tiếng trống phản hồi sẽ đáp lại “rụp rụp”. Để chắc chắn, trống chầu hỏi lại một lần nữa“rụm rụm”. Nếu có tín hiệu trả lời“rụp rụp” thì người cầm chầu sẽ lập tức đả tiếp hồi khai trường (khai chầu). Nguyên tắc đánh của hồi trống này là buổi diễn thuộc về mùa nào thì đánh theo quy ước của mùa đó: Xuân tam, Hạ cửu, Thu thất, Đông ngũ.
Hồi Khai trường vừa dứt là nhạc bắt đầu nổi lên. Khi diễn viên ra sân khấu chuẩn bị hát câu đầu tiên, người cầm chầu tiếp tục gõ cái “thùng” khai mở cho câu đầu tiên của đêm diễn. Sau đó là những tiếng trống chấm câu “thùng”, đánh mỗi khi câu hát kết thúc; tiếng trống vớt hơi, với ý đỡ giọng cho diễn viên mỗi khi hơi bị đuối; tiếng điểm khuyên “thùng” để khen, động viên, khích lệ mỗi khi diễn viên có những câu hát hay, động tác diễn đẹp… Ngược lại, khi diễn chưa đạt, người cầm chầu thường phạt bằng cách gõ những tiếng “cạch, cạch” vào cạnh trống (tang trống).
Trong suốt thời gian cầm chầu, một mặt thả hồn mình thăng hoa, phiêu diêu cùng từng tình tiết kịch, mặt khác người cầm chầu lại phải rất tỉnh táo để giữ cho nhịp chầu không phạm vào đại kỵ của nghệ thuật đả chầu, đó là để tiếng chầu át đi tiếng hát của nhân vật. Chỉ cần nghe tiếng chầu từ xa, người ta cũng có thể nhận biết được buổi biểu diễn là hay dở thế nào. Nếu người đả chầu khéo léo, điêu luyện thì buổi biểu diễn sẽ hào hứng sôi nổi, thành công rực rỡ. Ngược lại nếu cầm chầu không tốt, buổi biểu diễn tẻ nhạt, mất đi sự thi vị, làm cho người xem cụt hứng. Hơn nữa, người cầm chầu còn phải bỏ tiền ra để thưởng cho đào kép trên sân khấu, nhiều ít tùy tài lực.
Trọng trách nặng nề là thế, tiếc là trong những buổi biểu diễn tuồng ngày nay, đang ít dần những người có trình độ cao về nghệ thuật cầm chầu…
LÊ CÔNG PHƯỢNG
(Nhà hát tuồng Đào Tấn)
Cầm chầu đúng là nghệ thuật và không phải ai cũng được ngồi ở vị trí đó. Nhưng mong tác giả và quý vị độc giả vui lòng giải thích câu nói của dân gian lâu nay vốn rất đúng ở 3 ý đầu, đó là: " Ở đời có bốn cái ngu. Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu." Tại sao "cầm chầu" lại nằm trong tứ đại ngu của đời ? Thật không hiểu ?