Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa
Năm 2019, ngành nông nghiệp xác định là năm bản lề về kinh tế nông nghiệp với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ nông sản trên thị trường nội địa.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại diễn đàn.
Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”, được tổ chức sáng 5.3, tại Hà Nội.
Năm 2018, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (trong đó nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thuỷ sản tăng 6,5%), kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD.
Tuy nhiên, thách thức lớn với ngành nông nghiệp Việt Nam là chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hoá quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Ngoài ra, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.
Thị trường đầu ra cho nông sản cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều gia tăng bảo hộ hàng hoá nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Cuối cùng là xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trịnh, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Chính phủ đã giao chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp là tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực gồm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.
“Cần tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút đầu tư doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ… để thúc đẩy tiêu thụ trong nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Theo Vân Anh/VOV.VN