Làng nghề nước mắm vào mùa
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đội tàu đánh bắt gần bờ cung cấp một lượng cá cơm dồi dào, đảm bảo nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến của các làng nghề chế biến nước mắm truyền thống trong tỉnh.
Tất bật nhất trong mua gom nguyên liệu để sản xuất có lẽ là các cơ sở chế biến nước mắm truyền thống tại xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn). Anh La Thành Luân, đại diện cơ sở sản xuất nước mắm Như Mười, cho hay: “Năm nay khá hơn năm ngoái, cá cơm nhiều, giá lại rẻ, dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, chúng tôi gom mua cá cơm tại địa phương được hơn 150 tấn!”.
Cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) ứng dụng máy móc trong sản xuất giúp tăng hiệu quả kinh tế.
Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nước mắm truyền thống Tam Quan”, các cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm ở địa phương cũng đã đầu tư trang bị máy móc để sản xuất. Bà Trần Thị Như Hoa, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Như Hoa, bộc bạch: “Cách đây 10 năm, cơ sở chúng tôi đầu tư vốn để mua sắm hệ thống máy làm sạch vỏ chai bán tự động. Cuối năm 2018, chúng tôi đầu tư 490 triệu đồng để sắm hệ thống dây chuyền tự động hút chân không làm sạch vỏ chai (trong đó cơ sở được chương trình khuyến công của Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng). Việc có thêm thiết bị hiện đại giúp vừa nâng cao năng lực sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế tăng thấy rõ”.
Nước mắm Đề Gi cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2017, người dân làng nghề nước mắm Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cũng vui mừng không kém. Ông Lê Văn Đô, chủ cơ sở nước mắm Ba Đô, ở thôn An Quang Đông, hồ hởi: “Năm ngoái ở vùng biển tỉnh ta gần như không có cá cơm nguyên liệu, nên cơ sở tôi phải gom mua cá cơm từ nhiều tỉnh khác, như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận… mới đủ nguyên liệu sản xuất. Từ Tết đến giờ, chúng tôi đã gom mua 10 tấn cá cơm để muối mắm, dự kiến sẽ cho ra 8.000 lít nước mắm để bán cho bạn hàng”.
Bà Dương Thị Hà, cũng ở thôn An Quang Đông, bộc bạch: “Cá nhiều nên tôi đã mua 2 tấn cá cơm để ướp muối làm mắm, muối từ 5 - 6 tháng là cho ra khoảng 1.500 lít để bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Dù sản xuất nhỏ lẻ, nhưng mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu nhập hơn 40 triệu đồng từ nghề này”.
Theo ông Đinh Xuân Lộc, Phó trưởng thôn An Quang Đông, toàn thôn có hơn 700 hộ dân, trong đó khoảng 300 hộ gia đình làm nghề sản xuất, chế biến nước mắm để bán, còn lại thì hầu hết gia đình nào cũng muối từ 1 - 2 thạp mắm để dùng trong gia đình.
Vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất nước mắm ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) đã mở rộng sản xuất, sản phẩm tạo được thương hiệu trên thị trường cả nước.
Bà Mai Thị Hương, chủ cơ sở chế biến nước mắm truyền thống và hải sản khô Hương Thanh, ở thôn Lý Hòa, chia sẻ: “Cơ sở đã chủ động gom mua hơn 3 tấn cá cơm tại địa phương để sản xuất nước mắm. Ngoài ra, chúng tôi còn sản xuất mắm ruốc, hải sản khô các loại để bán. Cơ sở chúng tôi sản xuất với số lượng chưa nhiều nên cũng có thêm điều kiện để chăm chút chất lượng sản phẩm”.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết, năm 2011, nước mắm Nhơn Lý được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hàng năm, người dân trong xã sản xuất từ 40.000 đến hơn 50.000 lít nước mắm và 50 - 60 tấn hải sản khô tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh, như Gia Lai, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Nước mắm Nhơn Lý ngày càng khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN