“Gan dạ” & “can đảm”
Ai cũng biết, đây là hai từ cùng nghĩa, đều chỉ tinh thần không lùi bước trước hiểm nguy, gian khổ. Nhưng sẽ thú vị hơn nếu ta biết, hai từ này có cùng một phương thức tạo từ: lấy bộ phận cơ thể để gọi tên cho phẩm chất tinh thần.
“Can đảm” là một từ Việt gốc Hán, trong đó, “can” là “lá gan”, “đảm” là “mật, túi mật”. Trong tư duy ngôn ngữ của người Hán, cũng như “can trường” (đối dịch trong tiếng Việt là “gan ruột”), “can đảm” được dùng để chỉ “nỗi lòng”. Cho nên, mới có thành ngữ “phi can lịch đảm” (phơi gan rạch mật), hàm ý bày tỏ hết nỗi lòng cho người khác hiểu.
Tuy nhiên, do có yếu tố “đảm”, từ “can đảm” chủ yếu được dùng với nghĩa “gan dạ, dũng cảm”. Bởi, người xưa cho rằng, con người có sự gan dạ là do dịch tiết ra từ túi mật trong cơ thể. Do đó, người xưa tin rằng ai có “đại đảm” (túi mật lớn) ắt là người không hề sợ điều gì. Thành ngữ “to gan lớn mật” trong tiếng Việt cũng mang nghĩa tương tự.
Trong tư duy ngôn ngữ của người Việt, “gan, mật” cũng được dùng để tượng trưng cho phẩm chất “dũng cảm, không e sợ trước điều gì”. “Gan” vốn là danh từ được dùng độc lập với nghĩa tính từ “tỏ ra có gan, dám đương đầu với nguy hiểm, dám chịu đựng”, như trong cách nói: “Nó gan lắm”. Ngoài “gan dạ”, ta còn có từ “gan góc” với nghĩa tương đương. Gan đến mức trơ ra, không còn biết là gì được gọi là “gan lì”. Ngược lại với “to gan”, “cả gan” là “non gan”, “nhát gan”…
Không chỉ gan người, gan động vật cũng được dùng với cùng mục đích. Chỉ tính chất gan góc, lì lợm, người ta dùng thành ngữ “gan cóc tía”. Chỉ những người lời nói rất hùng hổ nhưng tính lại nhút nhát, sợ sệt, ta có thành ngữ “miệng hùm gan sứa”.
Thật ra, không phải ngẫu nhiên mà cả người Việt lẫn người Hán (và có thể nhiều dân tộc khác) đều có sự gặp gỡ về tư duy ngôn ngữ này. Từ lâu đời, trong đông y, người ta đã nhận thấy mối quan hệ giữa gan, mật và tính dũng cảm, quyết đoán của con người. Khoa học cũng đã chứng minh mối quan hệ này là hoàn toàn có cơ sở.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Kính gửi anh Vũ, Tôi đọc được bài viết này của anh và rất tâm đắc, nó là nguồn cảm hứng để tôi tìm hiểu thêm về hàm ý của ngữ nghĩa Hán Việt. Anh có thể giới thiệu cho tôi một vài cuốn sách hay tài liệu với nội dung tương tự được không? Rất mong nhận được phản hồi từ anh và được học hỏi thêm. Trân trọng!