Chọn con đường “chông gai”
Họ là những sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học của Trường ÐH Quy Nhơn, những người trẻ dám dấn thân trên con đường được coi là “chông gai”, để thực hiện mong muốn trở thành những nhà khoa học thực thụ.
Phan Đặng Cẩm Tú
Đam mê cháy bỏng
Nhắc nhớ quãng thời gian học năm thứ hai, lần đầu tiên tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cùng nhóm bạn, Phan Đặng Cẩm Tú - cựu sinh viên khoa Hóa, hiện đang làm nghiên cứu sinh tại trường, thẳng thắn thừa nhận: Thực sự hồi đó tôi chưa hình dung được gì nhiều, thậm chí thấy khó khăn, mơ hồ, mông lung lắm. Chỉ có một điều làm tôi không thể rời xa là thấy thích thú và đầy cảm hứng.
Tương tự, Lê Khắc Nhuận, sinh viên năm thứ 4 ngành Sư phạm Toán nói rằng, mình “thích mà không lý giải được”. Ngay năm thứ nhất, chàng cựu học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn đã tự nhận thấy bản thân mình phù hợp với hướng nghiên cứu hơn so với giảng dạy. Rồi đến khi tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, Nhuận vỡ ra rằng đây mới thực sự là điều phù hợp với mình. Cứ thế, mỗi năm học trôi qua giúp Nhuận tích thêm niềm hứng thú với việc nghiên cứu và khẳng định niềm tin chắc chắn về lựa chọn của mình.
Lê Khắc Nhuận (ngồi, ở giữa) tham dự Trường hè Toán học năm 2018.
Cẩm Tú tâm sự: Sinh viên muốn đi sâu theo hướng nghiên cứu phải chịu khó học để làm chủ thao tác nghiên cứu khoa học, cách tìm và tiếp cận với nhiều loại tài liệu ngoài giáo trình, cập nhật kiến thức và thường xuyên thảo luận với thầy cô, anh chị lớp trên. Thảo luận về vấn đề mình quan tâm cũng là một thao tác quan trọng với người muốn nghiên cứu khoa học.
Khó khăn, vất vả, đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng các sinh viên ấy luôn lao tới với trái tim tuổi trẻ cháy bỏng đam mê.
Khoa học giúp thay đổi bản thân
Họ thừa nhận, mình từng rụt rè, nhút nhát, ngại đứng vào vị trí là “đầu tàu” trong trường, lớp, Đoàn, Hội. Vậy nhưng, khi đến với công tác nghiên cứu khoa học, họ đã thay đổi rất nhiều.
Nguyễn Minh Thông
Nguyễn Minh Thông, sinh viên năm thứ 3 lớp Sư phạm Vật lý cho biết, sau một thời gian tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu, bản thân đã kiên nhẫn hơn, biết cách lắng nghe, biết cách tự phát hiện lỗi sai, dám nghĩ, dám làm để tìm ra cái mới. Khắc Nhuận thì nhận thấy việc tư duy tốt giúp mình phát hiện ra “tố chất quản lý” bởi biết cách sắp xếp, phân công công việc hợp lý. Cẩm Tú tập được cho mình cách xử lý công việc rạch ròi, hiệu quả.
Những thay đổi theo chiều hướng tích cực ấy cộng với kỹ năng nghiên cứu khoa học được trang bị, các bạn trẻ đầy đam mê đã nhận lại được nhiều điều mà khoa học mang lại. Từ CH Czech xa xôi, Phạm Ngọc Khánh, cựu sinh viên khoa Hóa, hiện là nghiên cứu sinh năm nhất Trường ĐH Charles (Prague) đã gởi e-mail, mong muốn chia sẻ câu chuyện bản thân mình. “Tôi đã thay đổi tầm hiểu biết của mình một cách nhanh chóng. Tôi đã nâng cao kỹ năng mềm và nhận thức của mình một cách tuyệt vời. Nghiên cứu khoa học đã thúc đẩy và là động lực thôi thúc tôi không ngừng nâng cao trình độ, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Nhờ những công trình khoa học trong nước và quốc tế trong thời gian tôi nghiên cứu tại Trường ĐH Quy Nhơn, tôi nhận được học bổng du học và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học của mình trong một môi trường quốc tế và chuyên nghiệp như hôm nay”.
Phạm Ngọc Khánh
Hàng ngày, trong mỗi giờ học trên lớp, giữa hàng trăm bạn bè luôn nỗ lực học tốt, tìm kiếm điểm thi cao, mong muốn ra trường sớm có việc làm ổn định, thu nhập khá, những sinh viên như Cẩm Tú, Khắc Nhuận, Minh Thông... không khỏi có cảm giác mình đang “đi ngược với số đông”. Thậm chí một số còn gặp áp lực từ gia đình do gia cảnh khó khăn. Dù vậy, những sinh viên giỏi, đầy nhiệt huyết ấy đều kiên định với con đường đã chọn.
KHÁNH HUÂN