Xây dựng nông thôn mới ở Nhơn Hạnh (TX An Nhơn): Ðảng viên gương mẫu đi đầu
Tháng 2.2019, xã Nhơn Hạnh (TX An Nhơn) đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả này là nhờ Ðảng bộ xã đã phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Ðảng, tinh thần tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; từ đó tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, quyết tâm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Khởi đầu khó khăn
Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hạnh Võ Xuân Hồng chia sẻ: Năm 2013, xã bước vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong điều kiện hết sức khó khăn, bởi địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, điểm xuất phát thấp; dịch vụ, ngành nghề nông thôn chưa phát triển, quy mô nhỏ; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn còn chậm.
Bên cạnh đó, hiệu quả từ việc thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu khác để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cũng chưa cao, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa. Ngoài ra, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân còn thấp; môi trường ở địa phương bị ô nhiễm; nhiều vấn đề người dân bức xúc chưa được giải quyết triệt để, nhất là những khiếu kiện về đất đai.
Năm 2019, xã Nhơn Hạnh tiếp tục huy động sức dân để mở rộng và đổ bê tông xi măng các tuyến đường giao thông ở các thôn còn lại.
- Trong ảnh: Đổ bê tông xi măng tuyến đường thôn Hòa Đông.
Theo ông Võ Xuân Hồng, để hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về XDNTM và kiện toàn các tổ công tác từ xã đến thôn. Đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM được đào tạo, tập huấn cơ bản. Xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ thôn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, nhất là trong giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, đóng góp ngày công. Mỗi cán bộ, đảng viên còn là một tuyên truyền viên tích cực, giúp người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM là mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng
Để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong XDNTM, Đảng ủy xã quán triệt đến 100% cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần gương mẫu đi đầu trong thực hiện, vận động nhân dân đóng góp vật chất, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Ông Võ Xuân Hồng cho biết thêm: “Chủ trương XDNTM là phục vụ nhân dân, lấy dân làm gốc, lấy thôn xóm, gia đình là hạt nhân của phong trào, không trông chờ, ỷ lại nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên mà cần phát huy nội lực, sức mạnh của dân. Chính vì vậy, khi triển khai các công trình xây dựng cơ bản, đường giao thông nông thôn, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ đưa ra bàn bạc công khai và tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân. Nhờ đó mà nhận thức của cả hệ thống chính trị chuyển biến tích cực, người dân đã thấy trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình”.
Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, từ năm 2013 đến năm 2018, xã Nhơn Hạnh đã huy động được hơn 69,6 tỉ đồng (trong đó người dân đóng góp hơn 7 tỉ đồng) xây dựng đường giao thông liên xã và đường trục thôn, xây dựng trường học, chợ, nhà văn hóa thôn.
Ông Nguyễn Đức Chánh, Bí thư chi bộ thôn Bình An, cho biết khi thực hiện XDNTM, thôn gặp khó khăn trong việc huy động sức dân. Trước tình hình đó, chi bộ đã nhiều lần phối hợp với thôn tổ chức họp để tuyên truyền chủ trương về XDNTM. Nhờ biết cách khai thác, biết lấy dân làm gốc và dựa vào sức dân nên người dân đã hiến gần 1.000 m2 đất và đóng góp hàng trăm triệu đồng để làm đường bê tông giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn. Từ chương trình XDNTM, thôn đã xây dựng các mô hình và hoạt động khá hiệu quả, như: Nông dân với mô hình Vệ sinh môi trường đồng ruộng, Nông dân không tội phạm (Hội Nông dân), Môi trường xanh - sạch - đẹp (Hội CCB), cắm cờ dọc tuyến đường liên xã (Đoàn Thanh niên), Vệ sinh môi trường và thu gom rác thải (Hội Phụ nữ).
Theo ông Bùi Ngọc Xuân, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Mai, đảng viên trong chi bộ đã vận động người dân hiến gần 3.000 m2 đất và đóng góp mỗi hộ mức cao nhất 4,5 triệu đồng, mức thấp nhất 2 triệu đồng để làm đường giao thông; người dân còn đóng góp gần 50 triệu đồng để mua trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, xác định môi trường là tiêu chí khó thực hiện, nên trong các buổi sinh hoạt hàng tháng, chi bộ dành nhiều thời gian để các đảng viên bàn bạc, thảo luận cách giải quyết vấn đề. Nhờ vậy mà người dân đã đưa rác thải sinh hoạt ra nơi tập kết để thu gom hoặc xử lý tại hộ gia đình, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp.
NGUYỄN PHÚC