Dâng hương Lễ hội Đô thị Nước Mặn
(BĐ) - Chiều 7.3 (tức mùng 2 tháng 2 Âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Chùa Bà ở thôn An Hòa, xã Phước Quang (Tuy Phước), lãnh đạo Sở VH&TT, UBND huyện Tuy Phước, ban quản lý di tích cùng đông đảo người dân thành kính dâng hương Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng Ông Quan Thánh, là nhân vật huyền thoại thường xuyên cứu vớt tàu thuyền gặp nạn và các bậc tiền nhân từng tạo nên thương cảng Nước Mặn sầm uất năm xưa.
Lãnh đạo huyện Tuy Phước và ban tế lễ dâng hương Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng Ông Quan Thánh tại chùa Bà.
Hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương về dự lễ hội đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa miền đất võ Bình Định. Suốt 3 ngày đêm, các hoạt động văn hóa, thể thao như hát tuồng, biểu diễn võ thuật, múa lân sư rồng… cùng các trò chơi dân gian được hàng ngàn người dân tích cực tham gia.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức hàng năm. Năm nay lễ hội được tổ chức từ ngày 29 tháng Giêng đến ngày mùng 2 tháng 2 Âm lịch. Lễ hội trở thành một trong những lễ hội độc đáo mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Bình Định.
Đội lân của Võ Đường Lê Xuân Cảnh múa lân chào mừng lễ hội.
Biểu diễn võ thuật của các võ sinh võ đường Lê Xuân Cảnh
Một đoạn trong trích đoạn tuồng Quan công phò nhị tấu do đoàn tuồng Bùi Thị Xuân biểu diễn.
Theo sử sách ghi lại, cách đây hơn 400 năm trước, vào khoảng năm 1610 khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán, vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn thịnh, có tên trên hải đồ hàng hải thế giới.
Trải qua bao biến cố lịch sử tuy cảng thị đã suy tàn và trở thành một vùng quê yên tĩnh nhưng chùa Bà vẫn còn lễ hội Nước Mặn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng vang bóng một thời của Bình Định.
Chùa Bà được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa vào tháng 3.2011 và đang đề nghị đưa “Lễ hội Đô thị Nước Mặn” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
VĂN LƯU