Thành lập TAND - Viện KSND khu vực:
Tại sao không?
Sau bài viết của tác giả Phạm Dân “Thành lập tòa án và viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực: 5 vấn đề cần quan tâm” đăng trên Báo Bình Định số 4930 ngày 21.2.2013, Báo Bình Định đã nhận được ý kiến của hai tác giả Xuân Thanh - Xuân Hợp trao đổi thêm về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Thứ nhất: Theo tác giả Phạm Dân, việc thành lập tòa án và viện kiểm sát nhân dân (gọi tắt là TA-VKS) sơ thẩm khu vực tạo nên sự cách trở về địa lý, đi lại khó khăn, mất thời gian, tiền bạc của người dân khi thưa kiện. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, nhưng chúng ta phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ việc thành lập mô hình này không phải để xa dân mà gần dân, không chỉ là khoảng cách đường đi mà là thái độ phục vụ của các cán bộ TA-VKS.
Theo Nghị quyết 49, việc thành lập mô hình TA-VKS sơ thẩm khu vực sẽ góp phần nâng cao vị trí, vai trò của 2 ngành, bảo đảm tính độc lập, khách quan hơn.
- Trong ảnh: Một vụ án được đưa ra xét xử tại TAND TP Quy Nhơn. Ảnh: THU HÀ
Mặt khác, khi thành lập TA-VKS khu vực, chúng ta đều phải tính toán đến cách thức tổ chức, thành lập thêm các chi nhánh của TA-VKS. Các tổ chức này không nhất thiết phải đầy đủ các bộ phận như TA-VKS như hiện nay, mà chỉ có thể là nơi để hướng dẫn thủ tục tố tụng, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, tiếp cận đơn thư khiếu nại khi cần thiết.
Thứ hai: Theo tác giả Phạm Dân, thành lập TA-VKS sơ thẩm khu vực sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực, tức là thiếu sự giám sát của các cơ quan dân cử là HĐND. Theo Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH 12 ngày 16.1.2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không tổ chức HĐND huyện, quận có nhiệm vụ giám sát hoạt động của TA-VKS thì báo cáo trước HĐND tỉnh. Hơn nữa, hiện nay nước ta đang thực hiện thí điểm một số địa phương không tổ chức HĐND quận, huyện nên trong tương lai khả năng không tổ chức các cơ quan này thì việc báo cáo công tác của VKS, TA cũng sẽ được thực hiện ở HĐND cấp tỉnh.
Thứ ba: Tác giả lo lắng về việc phân công cấp ủy viên giữ chức vụ chánh án, viện trưởng các cấp theo Nghị quyết 49. Cơ quan TA-VKS là đơn vị trực thuộc ngành dọc (tức chịu sự quản lý, chỉ đạo của TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao) chứ không phụ thuộc vào các cơ quan nào khác ở địa phương. Do vậy, khi thành lập TA-VKS khu vực thì việc quản lý các tổ chức đảng ở các cơ quan này thuộc đảng ủy VKS, TA cấp trên. Theo đó, vấn đề phân công cấp ủy viên và giới thiệu bổ nhiệm viện trưởng, chánh án khu vực do ban cán sự đảng, đảng ủy cấp trên đảm nhiệm.
Thứ 4: Khi thành lập VKS-TA khu vực, mối quan hệ với cơ quan điều tra cấp huyện thuộc khu vực vẫn diễn ra bình thường. Mặt khác, hiện nay trung ương đang từng bước trang bị các phương tiện (xe ô tô) cho VKS, TA cấp huyện để phục vụ cho công tác chuyên môn thì việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vẫn bảo đảm về mặt thời gian, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ khi sáp nhập.
Thứ năm: Theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì tổ chức có từ 30 đảng viên trở lên được thành lập đảng bộ cơ sở. Do vậy, việc chuyển các chi bộ VKS, TA khu vực trực thuộc đảng ủy cấp trên là điều hiển nhiên.
Thiết nghĩ, việc tổ chức mô hình TA và VKS sơ thẩm khu vực theo tinh thần Nghị quyết 49 ở nước ta nói chung và tại tỉnh Bình Định nói riêng, là cần thiết vì mô hình này sẽ góp phần nâng cao vị trí, vai trò của 2 ngành, bảo đảm tính độc lập, khách quan hơn. Đồng thời, cũng góp phần thu gọn đầu mối để Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc có hiệu quả, đảm bảo cho TA-VKS khu vực có điều kiện, khả năng xem xét giải quyết các vụ kiện có yếu tố nước ngoài theo trình tự sơ thẩm. Dĩ nhiên, việc thực hiện bước đầu sẽ có nhiều bất cập, khó khăn nhưng sẽ từng bước được khắc phục. Quan trọng hơn là làm sao bảo đảm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, thống nhất, khách quan, công bằng và bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất cho mọi công dân.
XUÂN THANH-XUÂN HỢP
(Viện KSND tỉnh)