Kim ngạch xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm giảm 9,9%
Giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm nay của cả nước đạt 584 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2018 do nguồn cung dồi dào trong khi không có gia tăng đột biến về nhu cầu.
Cơ sở sản xuất rau an toàn Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 2 năm 2019 ước đạt 229 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2019 đạt 584 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 1 năm 2019 với 72,6% thị phần.
Cũng trong tháng 1 năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Hàn Quốc tăng 68,2%; Hà Lan tăng 60,2%; Australia tăng 54,8% và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 36,8%.
Đáng chú ý, trong tháng 2.2019, Hoa Kỳ đã cấp phép nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam. Như vậy, đây là loại trái cây thứ 6 được xuất khẩu vào thị trường này (sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa).
Năm 2018, Hoa Kỳ là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất, đạt khoảng 37% so với năm 2017. Dự báo năm 2019 xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ tiếp tục sẽ có tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu thêm xoài.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, để xuất khẩu quả xoài tươi vào Hoa Kỳ, các địa phương và doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu như vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ Thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã số để quản lý và truy suất nguồn gốc.
Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý với liều tối thiểu 400Gy; được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Ngoài ra, các địa phương và doanh nghiệp cần đáp ứng một số yêu cầu khác đã được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS thống nhất.
Việt Nam có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng xoài nội địa của Mỹ.
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, tháng 2.2019 được xem là tháng có nhiều biến động về thị trường rau và trái cây bởi tác động của kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài.
Vào thời điểm đầu tháng đa phần các loại rau, củ và trái cây đều tăng giá do nhu cầu tăng mạnh nhưng sau kỳ nghỉ lễ giá các mặt hàng này đều giảm mạnh.
Nguyên nhân là do nguồn cung nhiều nhờ thời tiết thuận lợi trong khi không có sự gia tăng đột biến về nhu cầu.
Tại Lâm Đồng, giá nhiều loại rau củ như cà chua, bắp cải, cải thảo, xà lách đều giảm mạnh từ 5.000-10.000 đồng/kg so với đầu tháng.
Tại Hà Nội, giá rau củ quả hiện chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với trước Tết.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng lưu ý, thời gian tới, do giá rau trong nước đã giảm mạnh so với thời điểm trước Tết nên các vùng sản xuất rau cần ổn định sản xuất tránh phát triển quá nhanh gây dư thừa nguồn cung và giá có thể giảm sâu hơn nữa.
Còn về nhập khẩu rau quả, trong tháng 2.2019, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng này đạt 101 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 275 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018./.
Theo Thành Trung (TTXVN/Vietnam+)