Bình Định có 2 dự án viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản
Ngày 7.3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Lễ ký kết với các địa phương của Việt Nam 8 dự án hợp tác viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở năm tài khóa 2018, trong đó Bình Định có 2 dự án.
Chương trình hỗ trợ nguồn vốn cần thiết để thực hiện các dự án mang lại lợi ích cao cho người dân địa phương. (Ảnh minh họa: Quân Trang/TTXVN)
8 dự án được ký kết lần này có tổng mức viện trợ hơn 640 nghìn USD tại 7 địa phương của Việt Nam gồm: Dự án cung cấp thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Phù Cát, Bình Định; Dự án cung cấp thiết bị chuyên khoa mắt cho Bệnh viện Mắt tỉnh Quảng Nam; Dự án xây dựng đường bản Pú Sung, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Dự án cung cấp nước sinh hoạt tại xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình; Dự án cung cấp nước sạch bản Pắc Khoa, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; Dự án nâng cấp Trường nội trú Lả Giôn, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; Dự án xây dựng nhà lớp học cho Trường Tiểu học xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; Dự án xây dựng nhà lớp học cho Trường Tiểu học xã Ân Hữu, điểm trường Hà Đông, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, Bình Định.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Umeda Kunio cho biết, Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở của chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nguồn vốn cần thiết để thực hiện các dự án mang lại lợi ích cao cho người dân địa phương.
Chương trình được thực hiện từ năm 1992, đến năm 2018 đã có khoảng 630 dự án trong khuôn khổ với tổng số tiền viện trợ lên tới khoảng 53 triệu USD.
Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh, chính phủ Nhật Bản thông qua những hỗ trợ này, dù ít hay nhiều nhưng luôn mong muốn cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam, người dân tại các địa phương được tài trợ dự án sẽ ngày càng tươi sáng.
Đại diện các địa phương nhận viện trợ, ông Hoàng Văn Quyết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La bày tỏ cảm ơn tới chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt các dự án viện trợ cho những địa phương vùng sâu xa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dân tộc thiểu số.
Tại cụm trường nội trú Lả Giôn có 501 học sinh, 39 giáo viên; trong đó có 60 học sinh mầm non ăn bán trú tại trường; 441 học sinh từ 6 đến 15 tuổi sống xa nhà. Cơ sở hạ tầng của nhà trường được xây dựng từ năm 2006 đến nay đều xuống cấp, thiếu hệ thống nước sạch, không có nhà vệ sinh, bếp ăn... Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học, điều kiện sống của thầy và trò, nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng.
Ông Hoàng Văn Quyết tin rằng, dự án này sẽ cải thiện đáng kể điều kiện dạy-học, điều kiện sống của thầy-trò trường nội trú, từ đó khuyến khích học sinh đến trường, yêu trường./.
Theo Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)