Xử lý xe độ chế ở Hoài Nhơn: Còn “vướng” nhiều bề (!)
Gần 5 tháng kể từ khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 17 về tăng cường quản lý nhà nước gắn với kiểm tra, xử lý xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh, xe máy cày kéo rơ-moóc lưu thông trên các tuyến giao thông, thì ở quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường nông thôn trên địa bàn huyện Hoài Nhơn, các loại xe này vẫn lưu thông khá phổ biến.
Xe độ chế bị CA huyện Hoài Nhơn tạm giữ.
Tổng hợp con số thống kê từ CA các xã, thị trấn cho thấy huyện Hoài Nhơn có đến 551 chiếc, trong đó nhiều nhất là ba gác máy 178 chiếc, máy cày kéo rơ-moóc 165 chiếc, xe lôi 121 chiếc. Phải thừa nhận, do tính tiện lợi, ít vốn đầu tư nên các loại phương tiện này được ví như “cần câu cơm” kiếm sống hàng ngày của một số nông dân và người lao động phổ thông.
Hàng ngày, anh Ngô Minh Phòng ở Kim Giao Bắc, xã Hoài Hải vẫn rong ruổi trên chiếc xe mô tô 3 bánh có thùng chở hàng nâng thủy lực. Vì nhỏ gọn, dễ len lỏi khắp các đường làng, nên phương tiện này được rất nhiều người chọn để thuê chở các loại vật liệu xây dựng. Anh Phòng nói rằng, chính quyền và CA xã đã tuyên truyền vận động chuyển nghề và vẫn biết đây là phương tiện cấm lưu thông trên đường nhưng vì phải “kiếm ăn từng bữa” nên không còn cách nào khác.
Cũng như anh Phòng, khi hết vụ mùa cày bừa, anh Nguyễn Tấn Quyết (ở xã Hoài Châu Bắc) lại thay bộ phận lưỡi chuyên dụng của chiếc máy cày mà hàng ngày cày trên những cánh đồng bằng chiếc rơ-moóc có thùng chở vật liệu để kiếm sống, dù vẫn biết là vi phạm.
Được biết, tất cả những người điều khiển phương tiện cấm khi bị lực lượng CSGT xử lý cũng không có bằng lái theo từng hạng xe, cũng không qua một giờ học luật giao thông. Tại Bến xe Bồng Sơn, nơi tạm giữ các phương tiện xe độ chế chờ xử lý, thì bộ phận nào trên xe cũng độ chế, từ vô lăng, thắng xe, đèn pha, lốp nứt nẻ và mòn, kể cả thùng xe là chiếc rơ-moóc độ chế, nâng thùng để chở được nhiều hàng.
Thượng úy Vũ Thanh Phương, cán bộ Đội CSGT - trật tự CA huyện trải lòng, nếu ra quân thực hiện quyết liệt thì dư luận chưa đồng tình ủng hộ vì hầu hết họ là những người nghèo, thu nhập hàng ngày chủ yếu từ phương tiện này. Mà nếu buông lỏng thì phương tiện này thật sự gây nhiều hiểm họa cho xã hội. “Vì vậy, trước mắt chúng tôi vẫn tham mưu kiên trì thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân tự giác chuyển nghề tạo sinh kế mới”, anh Phương nói.
Được biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 17 của UBND tỉnh, CA huyện chỉ tạm giữ 7 trường hợp mà nếu xử phạt thì số tiền vượt nhiều so với giá trị của xe. Do đó, cách giải quyết vẫn là trả lại trước khi yêu cầu chủ phương tiện cam kết không lưu hành.
Anh Đặng Hữu Điệu, Phó trưởng CA xã Hoài Xuân, cho biết toàn xã có hơn 30 phương tiện độ chế không đảm bảo lưu hành. Từ khi UBND huyện có văn bản về tăng cường quản lý loại phương tiện này, CA xã đã đến gặp trực tiếp để giải thích chủ trương, nếu họ chuyển nghề sẽ đề xuất các cơ quan chức năng cho vay vốn; đồng thời, CA xã cũng đến các gara tuyên truyền, yêu cầu cam kết không độ chế sản xuất các loại phương tiện và rơ-moóc cho người dân. Thế nhưng, từ cam kết đến thực hiện vẫn còn khoảng cách xa vời!
Anh Nguyễn Xuân Ry, chủ gara ở thôn Thuận Thượng 2, xã Hoài Xuân, có hơn 30 năm trong nghề cơ khí, chuyên độ chế các phương tiện cho người dân hành nghề trong huyện giãi bày: Trước đây, tôi cứ làm theo yêu cầu của khách hàng; nhưng từ khi được CA xã vận động và yêu cầu ký cam kết, tôi cũng “rất ngại” xuất xưởng xe độ chế. Tuy nhiên, do hầu hết khách hàng đều quen thuộc và họ cũng vì kế mưu sinh nên khi xe hư hỏng, chủ xe đưa đến nài nỉ cũng mủi lòng sửa chữa.
Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 548 ngày 29.4.2009 về việc hỗ trợ đối với chủ sở hữu phương tiện xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông chuyển đổi phương tiện hoặc chuyển đổi nghề. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, các loại phương tiện trên vẫn cứ phát triển. Để giải quyết triệt để, thì việc tuyên truyền, vận động hoặc xử phạt, tịch thu là chưa đủ mà cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là triển khai hỗ trợ vốn hiệu quả, tạo sinh kế giúp họ tự giác chuyển đổi nghề, không còn rong ruổi trên những chiếc xe độ chế gây hiểm họa cho xã hội.
DANH NHÂN