“Phân bố” và “phân bổ”
Không ít người nhầm lẫn hai từ trên là một vì cho rằng chúng là hiện tượng đọc lệch âm của nhau. Thật ra, đây là hai từ hoàn toàn khác nhau, không chỉ ở âm đọc mà còn ở cả ý nghĩa. Chính hai yếu tố “bố” và “bổ” quy định sự khác nhau này.
Cả “phân bố” lẫn “phân bổ” đều là những từ Việt gốc Hán và có chung nghĩa ở yếu tố “phân”. Trong tiếng Hán, chữ “phân” (trong hai từ trên) thuộc bộ đao (con dao), có nghĩa là “cắt ra, chia ra”. Trong tiếng Việt, có nhiều từ mang yếu tố “phân” này như: phân li (chia lìa), phân loại (chia ra các loại khác nhau), phân phát (chia ra từng phần rồi phát cho), phân ưu (chia buồn)…
“Bố” trong “phân bố” (bộ nhân, thường dùng chữ bố bộ cân) có nghĩa là “khắp, khắp nơi”, như trong tuyên bố (bày tỏ cho khắp nơi biết), bố thí (cho khắp nơi)… Như vậy, “phân bố” có thể hiểu là “chia ra khắp nơi”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa là “chia ra, rải ra nhiều nơi theo nguyên tắc nào đó” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.761). Chẳng hạn, có thể nói “tài nguyên thiên nhiên ở nước này phân bố không đồng đều”.
Còn “bổ” trong “phân bổ” thuộc bộ y (liên quan đến áo quần), nghĩa gốc là “vá [áo]”, rồi mang nghĩa “vá vào, đắp vào, bù vào, thêm vào”. Sung chức vị vào chỗ còn trống cũng gọi là “bổ” (như trong bổ nhiệm, bổ dụng). Từ này còn có nghĩa là “chất dinh dưỡng”, “làm cho có dinh dưỡng”, như trong chất bổ, thuốc bổ, bồi bổ,… Từ nghĩa này, “bổ” mang thêm nghĩa “có ích, giá trị” như trong bổ ích, vô bổ… “Phân bổ” có thể hiểu là “chia ra [để] thêm vào [cho các đối tượng]”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa là “chia hết cái phải đóng góp hoặc cái được hưởng ra cho mỗi người, mỗi đơn vị nhận một phần” (Sđd, tr.761). Chẳng hạn, có thể nói “giống lúa mới được phân bổ đều cho các hộ gia đình”.
Ngoài ra, “phân bố” và “phân bổ” còn khác nhau về cấu tạo từ. “Phân bố” (“phân” một cách “bố”) là từ ghép chính phụ theo cấu tạo động từ + bổ ngữ, tương tự như chia đều. Còn “phân bổ” (“phân” để rồi “bổ”) là từ ghép đẳng lập, tương tự như phân phát (chia ra và phát cho), phân định (chia ra và xác định), phân tích (chia ra và tách ra)…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ