Xu hướng cửa hàng tiện ích
Nắm bắt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng quan tâm đến chất lượng, sự thuận tiện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các cửa hàng tiện ích đã dần phát triển, bắt đầu len lỏi vào các khu dân cư.
Người tiêu dùng thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) mua hàng ở cửa hàng Ngọc Liễu.
Một số cửa hàng tiện ích áp dụng phương thức bán hàng hiện đại, tiêu chuẩn hóa việc trưng bày, trang bị phần mềm quản lý… được mở khá nhiều ở Bình Định. Tại TP Quy Nhơn có các cửa hàng như: Binhdinhfood (đường Trần Hưng Đạo), Homemart Sai Gon, Nhất Phát (đường Tôn Đức Thắng), Thái Mart (đường Tăng Bạt Hổ), Hương Thanh (xã Nhơn Lý), Song Thủy (đường Xuân Diệu)…
Trong xu hướng này, một số hiệu tạp hóa ở đường Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Ngô Mây, Hoàng Quốc Việt, Phan Đình Phùng… cũng tự nâng cấp thành cửa hàng tiện ích.
Ngay cả một số cửa hàng chuyên bán trái cây an toàn như Green Mart (đường Lý Thường Kiệt), Vườn Xanh (đường Lê Hồng Phong), Nông trang Xanh (đường Trần Phú), Vườn nhà cây (đường Trường Chinh, Nguyễn Thị Định) cũng nâng cấp dần theo hướng tiện ích. Ngoài trái cây, các cửa hàng này còn mở thêm ngành hàng lương thực, thực phẩm khô; thực phẩm tươi sống an toàn của các trang trại, vườn rau sạch đạt chuẩn trong và ngoài tỉnh; các loại dầu gội, sữa tắm thảo dược...
Cảm giác yên tâm, mua sắm trong không gian dễ chịu, được phục vụ nhiệt tình là các yếu tố thu hút người tiêu dùng đến với cửa hàng tiện ích. Chị Nguyễn Thị Thu Hương (ở KV8, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) cho biết: “Mua sắm ở những cửa hàng tiện ích, cái lợi đầu tiên là thuận tiện và thời gian. Hàng hóa gắn nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc rõ ràng; hàng tươi sống được bảo quản trong tủ lạnh giúp đảm bảo tươi ngon, hợp vệ sinh… Giá cả niêm yết chính xác nên không sợ bị hớ, mất thời gian trả treo”. Cùng có sự quan tâm như chị Hương, nhưng một số khách hàng khác còn đánh giá cao các điểm cộng của dịch vụ như: Chấp nhận thanh toán qua thẻ ATM, đặt hàng qua điện thoại và giao hàng tận nhà...
Không chỉ ở TP Quy Nhơn, đến nay, kiểu cửa hàng này đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác trong tỉnh, như: cửa hàng Ngọc Liễu (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân), Việt (xã An Hòa, huyện An Lão), Long Hoa (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát)… Chị Lê Thị Liễu, chủ cửa hàng Ngọc Liễu cho biết: “Ban đầu, cửa hàng chỉ bán một số mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình. Sau đó thấy nhu cầu của người tiêu dùng địa phương đa dạng, tăng nhanh, tôi bày bán thêm các mặt hàng tươi sống như: hải sản, trái cây và rau củ quả Đà Lạt và nhiều loại thực phẩm an toàn khác. Sắp tới chúng tôi sẽ nâng cấp trang thiết bị để sơ chế, đóng gói hút chân không các loại hải sản, trái cây để tăng thời hạn sử dụng, hỗ trợ bảo quản cho người tiêu dùng”.
Còn nhớ, nhiều năm trước, Công ty TNHH TM&DV G7 Mart có mở 10 cửa hàng tiện ích ở Bình Định (8 cửa hàng ở TP Quy Nhơn, 1 cửa hàng ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát và 1 ở thị trấn Bình Định, TX An Nhơn). Song rất nhanh sau đó, các chủ đầu tư đã đóng cửa các cửa hàng này bởi nhiều lý do, đơn cử như: Đối đầu trực tiếp với chính những nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa cho mình; giá cả không cạnh tranh, sản phẩm kém đa dạng…
Có lẽ rút kinh nghiệm từ đó nên giờ đây, dù giá bán có cao hơn so với chợ truyền thống nhưng bù lại hàng hóa của cửa hàng tiện ích có nhiều ưu điểm vượt trội như: Đảm bảo an toàn thực phẩm, dễ dàng mua sắm, thanh toán thuận tiện.
Anh Nguyễn Tuấn, 35 tuổi, Quyền Giám đốc Co.op Food Tăng Bạt Hổ, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các cửa hàng G7 Mart, dù đầu tư hơn 2 tỉ đồng nhưng cửa hàng vẫn tiếp tục đa dạng hơn các loại sản phẩm, sửa sang khu sơ chế thực phẩm tươi sống, đóng vỉ trái cây các loại tại chỗ theo thị hiếu của khách”. Còn cửa hàng Green Mart thì đầu tư, lắp đặt thiết bị sơ chế ngay tại quầy để phục vụ ngay nếu khách có yêu cầu xay, ép trái cây uống tại chỗ hoặc mang đi.
Nhận định về sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cửa hàng tiện ích, bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng đây là một mô hình thương mại hiện đại đang phát triển khá nhanh ở tỉnh ta. Qua đó, từng bước người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm theo hướng văn minh, không mua bán tùy tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường; không tiêu thụ, sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
HẢI YẾN