Cát Tường - Nón & Cốm…
Nét duyên từ những làng nghề trăm năm ấm áp lòng người và cảnh sắc thanh bình cẩm tú là những điều thôi thúc người ta trở lại. Thế nên mỗi lần có dịp về Phù Cát, tôi đều dành thời gian đến Cát Tường.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan thêu hoa văn trên nón Phú Gia.
“Kỳ quan sống” của làng nghề trăm tuổi
Khi nhắc đến nón, người ta nghĩ về quê hương, về hình ảnh các chị, các mẹ, nghĩ đến nét duyên nón lá áo dài. Nhưng đến làng nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường bạn sẽ biết nón ngựa như một biểu tượng của sự sang trọng, quý phái. Nghề nón Phú Gia đã có trên 300 năm, và nón ngựa là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo mà bà con nơi đây còn giữ.
Về Phú Gia, bạn sẽ thấy từng lớp lá kè thành hình, từng vòng cật giang, rễ dứa làm vành cứng cáp, từng đường kim mũi chỉ uyển chuyển… như dìu ta về miền cổ xưa trăm năm. Đã về tới Phú Gia thì có một người nhất định bạn nên gặp - vốn được những người làm du lịch, yêu mến Bình Định gọi vui là “kỳ quan sống” của làng nón - nghệ nhân Đỗ Văn Lan.
Nồng hậu, nhiệt thành là cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với nghệ nhân Lan. Bên ấm trà nóng mời khách, bao câu chuyện thú vị về nón lá quê hương gắn với chuyện nhà Tây Sơn, gắn với nếp sống người quê được nghệ nhân ngoài bảy mươi sảng khoái mà vanh vách kể. Bạn sẽ còn được giới thiệu bộ sưu tập nón đồ sộ của gia đình ông Lan, có chiếc đã hơn trăm năm tuổi. Trò chuyện cùng tôi, đôi tay của ông Lan vẫn thoăn thoắt thêu nón. Ông bảo, làm nón có 10 công đoạn chính, thêu là khó, mà hễ thêu được thì đàn ông thêu đẹp hơn, thế đấy nhé!
Thật khó để diễn tả hết sự thích thú khi đắm mình trong không gian của làng nghề trăm năm nón lá.
Đóng gói cốm tại cơ sở cốm Thanh Sang ở Cát Tường.
Đậm đà vị cốm quê hương
Đến Cát Tường, bạn không chỉ được mãn nhãn với nón Phú Gia mà sẽ còn vô cùng thích thú khi như được quay ngược thời gian trở về với miền tuổi thơ của mình. Bạn còn nhớ món cốm nổ chứ, món quà vặt dân dã ngon tuyệt trần đời mà mẹ mang về sau mỗi buổi chợ quê hồi bé ấy! Đến Cát Tường, bạn sẽ được trở về thế giới của cốm.
Từ TP Quy Nhơn có hai cách đến Cát Tường (Phù Cát). Bạn có thể đi tuyến QL 1A, đến ngã 4 Gò Găng, bạn rẽ phải đi theo hướng Đông tầm 7 km sẽ đến. Hoặc có thể đi men theo cung đường thơ mộng bên trục đường Khu Kinh tế Nhơn Hội theo hướng QL19B với những đồi cát mênh mang, biển xanh, những vạt núi uốn lượn, những cánh đồng mênh mông, gặp trục đường 635 bạn đi thêm 1,5 km nữa sẽ đến Cát Tường.
Làng nghề cốm Cát Tường nổi tiếng dễ chừng cũng hơn trăm năm. Ngày xưa, người làng nghề hay xếp cốm vào chiếc bầu lớn làm bằng nan tre, gánh đi bán hoặc đi đổi lúa khắp nơi. Câu “bầu cốm Cát Tường” cứ giản dị mà neo trong ký ức của nhiều người. Có lúc trong xã có đến hơn trăm hộ tham gia làm cốm ở khắp 3 thôn Chánh Liêm, Chánh Lý, Xuân An. Hiện tại, chỉ còn 6 cơ sở sản xuất cốm thường xuyên tại địa phương.
Bạn có thể tham quan các cơ sở cốm Phong Nga, Thanh Sang… để xem những mẻ cốm dậy hương thơm lừng một góc làng quê. Bánh cốm ở Cát Tường được làm từ gạo, từ bắp, gừng, ngào với mật đường, hoàn toàn không sử dụng phụ gia, chất tạo màu. Tùy theo khẩu vị của khách, mà vị ngọt, hương thơm sẽ được gia giảm.
Ở đây, bạn sẽ tận mắt thấy người thợ nhanh tay láng mặt cốm đang còn hôi hổi nóng trên khuôn rồi dùng dao bén thoăn thoắt cắt cốm. Động tác nhanh, đều như máy. Từng thẻ cốm được nhịp nhàng đóng gói, tiếng cười, nói của thợ cốm giòn tan như cốm mới ra lò.
Một góc hồ Tường Sơn.
Bình lặng hồ Tường Sơn
Chiều xuống Cát Tường, nắng rải vàng trên đồng lúa chín tháng ba. Chỉ cách UBND xã Cát Tường tầm 3 km về hướng Bắc, bạn sẽ bất ngờ trước một không gian đẹp như tranh: Hồ Tường Sơn.
Hồ nằm dưới chân núi Bà, thuộc thôn Tường Sơn. Đây là hồ thủy lợi, xây dựng từ năm 1981, sau đó được nâng cấp để mở rộng vùng cấp nước tưới. Đồng thời, hồ cũng trở thành một điểm đến lý thú đối với dân phượt. Hồ có chu vi gần 300 ngàn mét. Đừng bên bờ, bạn có thể thả ánh nhìn xa xăm về phía bên kia với núi non, bờ bãi, nghe sóng mặt hồ khẽ ì oạp vỗ về. Một cảm giác mênh mang, nhẹ bẫng, bao mỏi mệt bỗng chốc tan biến.
Bạn thấy sao? Với tôi, một ngày với Cát Tường vẫn còn là chưa thỏa.
Nơi đây, còn lắm cái hay, như nghề làm nhang đã có từ lâu đời. Hay ngay phía đối diện tôi bây giờ, là dãy núi Bà, mà phía bên kia là hồ Cửa Khâu thuộc thôn Xuân An, hút hồn chẳng kém hồ Tường Sơn.
Đội nón thong dong, thưởng thức vị cốm và ngắm nhìn cảnh sắc Cát Tường, một trải nghiệm thật êm đềm, dễ chịu.
TRẦN PHONG LINH