Xuất khẩu lao động năm 2019: Chủ động nắm bắt cơ hội
Năm 2019, mục tiêu đưa 600 lao động Bình Ðịnh đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài nhiều khả năng sẽ thành hiện thực.
Ông Nguyễn Thế Đại, Giám đốc Công ty CP XKLĐ và Dịch vụ thương mại Biển Đông phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác XKLĐ năm 2019.
Thêm cơ hội tại Nhật Bản
Dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi đã được Thượng viện Nhật Bản thông qua (có hiệu lực từ tháng 4.2019) về việc mở rộng cơ hội làm việc cho người ngoài nước là tín hiệu vui cho người lao động Việt Nam. Theo đó, DN Nhật Bản sẽ tiếp nhận nhân lực nước ngoài theo tư cách “kỹ năng đặc biệt”.
“Thời gian tới, công tác XKLÐ của tỉnh sẽ quan tâm thêm đối tượng thanh niên trưởng thành từ Làng trẻ em SOS Quy Nhơn. Ðối với các em đã học nghề, đang làm việc, ngành LÐ-TB&XH sẽ hỗ trợ các em có nguyện vọng đi XKLÐ. Hầu hết các em trưởng thành từ Làng SOS đều có ý chí, nghị lực, kỷ luật tốt”.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH NGUYỄN MỸ QUANG
Cụ thể, “kỹ năng đặc biệt số 1” dành cho những trường hợp có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết đủ để đáp ứng công việc; “kỹ năng đặc biệt số 2” đối với các trường hợp đã thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn.
Nếu có “kỹ năng đặc biệt số 1”, người lao động được làm việc tại Nhật 5 năm. Với “kỹ năng đặc biệt số 2”, người lao động có thể ở lại làm việc lâu dài và bảo lãnh gia đình sang sinh sống và làm việc tại Nhật. Điểm chung của 2 điều kiện là người lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu bằng mức lương của người lao động Nhật ở cùng vị trí.
Đứng trước cơ hội này, các DN làm dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) đều tăng chỉ tiêu trong năm 2019. Tại Hội nghị triển khai công tác xuất khẩu lao động năm 2019 của Bình Định, ông Trần Xuân Lưu, Giám đốc Công ty CP Quốc tế TIC chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đánh giá: “Tiềm năng lao động tại Bình Định còn rất lớn. Năm 2019, công ty chúng tôi nhận đăng ký 200 chỉ tiêu người lao động Bình Định đi XKLĐ thông qua kênh của chúng tôi. Thế mạnh của công ty là liên kết với tập đoàn tại Nhật trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Mỗi năm, có khoảng 900 lao động đi làm việc thông qua công ty”.
Ông Nguyễn Thế Đại, Giám đốc Công ty CP XKLĐ và Dịch vụ thương mại Biển Đông, chia sẻ: “Cơ hội quay trở lại Nhật lần 2 của người lao động từng XKLĐ tại Nhật Bản thì cao, mà chi phí thì thấp hơn lần đầu rất nhiều. Vì thế, các địa phương, đoàn thể nên quan tâm, thông tin kịp thời đến những người lao động có nguyện vọng quay lại Nhật làm việc”.
Người lao động Bình Định tham gia phiên phỏng vấn của DN Nhật Bản tổ chức tại tỉnh.
Chuẩn bị kỹ hơn
Trong một phiên phỏng vấn lao động cho DN Nhật tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đầu năm 2019, ông Shimizu Yasuyuki, Phó Chủ tịch Hiệp hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật chia sẻ: “Nhật Bản đang có nhu cầu lao động nước ngoài lớn, đặc biệt là lực lượng lao động có nguyện vọng làm việc lâu dài tại Nhật. Để tiếp cận được với cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản, các bạn cần có sự chuẩn bị chu đáo và chủ động hơn. Cụ thể, việc học tiếng Nhật nên triển khai sớm hơn, chứ không nên đến gần giai đoạn phỏng vấn mới học. Người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa Nhật, tích lũy và nâng cao kỹ năng nghề”.
Ông Nguyễn Thế Đại trao đổi thêm: “Năm qua, Công ty CP XKLĐ và Dịch vụ thương mại Biển Đông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đưa DN Nhật Bản về phỏng vấn trực tiếp tại Bình Định. Tuy nhiên, các đơn hàng này đều là đơn hàng dành cho lao động phổ thông. Các đơn hàng yêu cầu lao động có tay nghề thì DN chúng tôi chưa mạnh dạn đưa về bởi sợ không đủ lao động đáp ứng”.
Phân luồng, định hướng cho học sinh sau bậc THCS về XKLĐ cũng là nội dung được nhiều đại biểu bàn bạc tại Hội nghị triển khai công tác XKLĐ năm 2019. Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân - địa phương có khá đông người lao động đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài, cho rằng: “Cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về XKLĐ cho đối tượng học sinh sau THCS để các em có thêm thông tin, thêm lựa chọn phù hợp. Đây là lực lượng lao động tiềm năng cho XKLĐ của tỉnh”.
Cẩn trọng trước “cò” XKLĐ
Phản ánh tại Hội nghị triển khai công tác XKLÐ về tình trạng “cò” XKLÐ đang làm xấu hình ảnh và chính sách, ông Trần Hữu Hiệu, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, đề nghị các DN có chức năng đưa lao động đi XKLÐ, các trung tâm được giao nhiệm vụ tạo nguồn cho XKLÐ và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ hơn.
Về việc này, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH, nhìn nhận: “Vậy thì các đơn vị cần phải xem lại cách làm của ta. Do ta làm chưa hay, chưa tốt, chưa tận tình thì “cò” mới có đất sống”.
Bà Võ Uyên Vy, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam HITECO, cho rằng: Sự công khai, minh bạch của các DN về chi phí đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ tăng sự tín nhiệm của người lao động, người nhà, hạn chế tình trạng “cò” XKLÐ. Hiện tại, chi phí đưa lao động đi làm việc tại Nhật Bản của HITECO khoảng 3.600 USD và không có thêm bất kỳ chi phí nào khác.
NGUYỄN MUỘI