Trò chuyện với nghệ sĩ: Đào Tiến Đạt & ấn tượng Bali
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðào Tiến Ðạt - Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Bình Ðịnh - vừa sang Bali, Indonesia dự Lễ trao giải Cuộc thi ảnh vòng nghệ thuật quốc tế Singapore Super 12 Circuit (SS12C) và tham gia Trại sáng tác ảnh nghệ thuật. Vừa về tới Quy Nhơn, anh dành cho Báo Bình Ðịnh cuộc trò chuyện thân tình.
NSNA Đào Tiến Đạt (áo trắng, bên phải) nhận tước hiệu của Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á.
* Xin anh giới thiệu đôi nét về SS12C và chuyến đi sang Bali?
- Tôi sang Bali theo lời mời của Ban tổ chức SS12C. Cuộc thi do Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á (APU) và PhotoVivo - Singapore phối hợp tổ chức với sự bảo trợ của Trung tâm Quốc tế nhiếp ảnh xuất sắc (ICPE), Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Singapore (APAS).
SS12C tổ chức từ năm 2018 với 3 thể loại: ảnh màu tự do, ảnh đơn sắc tự do và du lịch, và theo thể thức: Mỗi tháng một vòng thi, với tất cả 12 vòng, qua 4 hội đồng giám khảo chấm ảnh, mỗi hội đồng có bộ giải thưởng và acceptance (triển lãm) riêng... Tôi gửi ảnh dự thi 10 vòng, đạt nhiều giải thưởng và triển lãm. Với 1080 điểm và 390 acceptance, tôi được xếp thứ 3 trong Top 10 Photovivo 2018 Grand Exhibitors - Top 10 Salonists (SS12C). Hai nhiếp ảnh gia xếp thứ nhất và nhì là Arnaldo Paulo Che (Hồng Kông) và Thomas Lang (Mỹ).
Với kết quả trên, tôi được Ban tổ chức phong tặng tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á (FAPU) và trao giải tại Triển lãm tổng thể của Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á (MEAPU/b). Ngoài ra, tại Bali, tôi và nhiếp ảnh gia Phan Đình Trung (Bình Định) còn tham gia Trại sáng tác ảnh nghệ thuật do Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á và PhotoVivo tổ chức.
* Có thông tin Lễ trao giải SS12C được tổ chức rất lạ, thưa anh?
- Tôi từng có đôi lần ra nước ngoài tham dự một số sự kiện về nhiếp ảnh nghệ thuật, song thú thật là chưa bao giờ có ấn tượng mạnh như lần này. Ban tổ chức SS12C làm chu đáo và cực kỳ chuyên nghiệp. Theo đó, ngay từ khi còn ở nhà, các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), nhiếp ảnh gia các nước đã được Ban tổ chức gửi thông báo về chương trình, lịch đưa đón, ăn nghỉ, đi lại, tình hình thời tiết, khí hậu; phương tiện tác nghiệp, chương trình sáng tác ảnh.
Riêng về Lễ trao giải SS12C, họ chọn Nhà hát Sahadewa - nhà hát nổi tiếng của Bali - làm nơi tổ chức. Theo yêu cầu của Ban tổ chức, tất cả các NSNA, nhiếp ảnh gia tham dự đều mặc sarong - bộ trang phục truyền thống của Indonesia.
* Còn về Trại sáng tác ảnh nghệ thuật?
- Đây cũng là một chương trình ấn tượng và thú vị. Chúng ta biết rằng, Bali là một thành phố đảo của Indonesia. Nơi đây từng được mệnh danh là “Thành phố lãng mạn nhất châu Á”. Bali không chỉ sở hữu vẻ đẹp tự nhiên do thiên nhiên ban tặng, mà còn bởi những giá trị nghệ thuật có tính truyền thống lâu đời. Cư dân ở đây đa phần là người theo đạo Hindu, họ lưu giữ rất tốt những giá trị văn hóa truyền thống.
Trong những ngày sáng tác, kiến trúc cổ Bali, điệu nhảy Batu Bulan Barong, những chiếc mặt nạ kỳ lạ; bãi biển Keramas, thác nước Wisata Kali Unda, bình minh trên Mt Batur với điệu múa của các vũ công truyền thống Bali, Bảo tàng Denpasar, ngôi đền cổ uy nghi trên hồ Tamblingan, hồ Beratan trong sương sớm với nghi lễ Melasti của người theo đạo Hindu… là những “khung hình, góc máy” kỳ thú, tạo cảm xúc thẩm mỹ khi tác nghiệp.
Đáng lưu ý, tại hầu hết các danh lam, thắng cảnh, nơi đón các NSNA, nhiếp ảnh gia quốc tế tham gia Trại sáng tác, Ban tổ chức đều chuẩn bị người mẫu hoặc các vũ công để hỗ trợ, giúp các nghệ sĩ sáng tạo. Nhờ vậy, tôi và anh Phan Đình Trung cũng như nhiều NSNA, nhà nhiếp ảnh khác chụp được khá nhiều ảnh.
Tóm lại, chuyến đi Bali lần này quả là ý nghĩa và thú vị. Các NSNA, nhiếp ảnh gia không chỉ được trải nghiệm mà còn học tập được nhiều điều, từ công tác tổ chức cho đến chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.
* Xin chúc mừng và cảm ơn anh!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)