Không có hoa trong ngày 8.3
Ngày 8.3, với những chị em ở phố thị, đồng bằng hoặc những vùng kinh tế khấm khá là một ngày vui. Còn ở những nơi khó khăn, nhất là vùng núi, phụ nữ vẫn phải ngày ngày đối mặt với bao vất vả, lo toan của cuộc sống thì khái niệm “8.3” vẫn là một cái gì đó xa lạ.
Đa số phụ nữ vùng cao vẫn còn chịu nhiều vất vả, lao động nặng nhọc.
Là cán bộ Hội Nông dân huyện An Lão, thường xuyên đi cơ sở, tôi đã gặp rất nhiều bà mẹ “nhí” là người dân tộc H’re, Bana ở các xã An Toàn, An Nghĩa, An Vinh, An Dũng... Tôi đã chứng kiến những bữa cơm chỉ có cơm trắng chan canh cải. Bên mâm cơm là người mẹ với đàn con lít nhít cùng mẹ già, còn ông chồng thì sa đà bên chai rượu hay ché rượu cần.
Như chị Đinh Thị Nớp, dân tộc Bana (thôn 1, xã An Toàn), dù chưa tới 40 tuổi nhưng gương mặt chị khắc khổ, trông già hơn tuổi thật cả chục tuổi. Lấy chồng từ năm 17, đến nay, chị Nớp đã là mẹ của 4 đứa con. Hằng ngày, chị phải dậy từ 4 giờ sáng nấu cơm nắm cho 3 đứa con lớn mang theo đi học và hai vợ chồng chị cùng con nhỏ lên nương. Chị Nớp bảo: “Vì nhà biệt lập, cách trung tâm xã gần 10 km, đường đi khó khăn nên thỉnh thoảng mới xuống xã mua đồ. Mọi người tự trồng, tự hái rau rừng, thỉnh thoảng mấy nhà chung nhau mổ con heo chia thịt ăn dần. Lao động cật lực nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình tôi, năm nào cũng thiếu ăn 1 - 2 tháng”.
Ở các xã miền núi, vùng cao nói chung, người phụ nữ phải lao động với cường độ cao, thời gian kéo dài từ 14 - 18 tiếng/ngày. Nhiều người nói với tôi, sinh ra là con gái đã cực rồi, nhưng dù sao lúc nhỏ còn được ở trong nhà bố mẹ, ăn cơm của bố mẹ, dẫu làm việc nặng cũng còn có anh, có em, có bà con họ hàng, chứ khi về nhà chồng thì thường phải lủi thủi gánh vác tất cả một mình.
Ngày mùa là khoảng thời gian phụ nữ ở đây phải căng sức từ sáng sớm đến tối muộn bởi họ là lao động chính, đàn ông thường chỉ… phụ giúp thêm. Ngoài việc lên rẫy, phụ nữ vùng cao cũng phải quán xuyến luôn việc nhà, từ cơm nước đến chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ. Phụ nữ làm càng nhiều việc, đặc biệt là việc nặng, thì được cho là vợ tốt, dâu hiếu thảo, được gia đình nhà chồng tôn trọng.
Nói như thế, không có nghĩa là phụ nữ vùng cao chưa tiến bộ, hạnh phúc. Đời sống ngày một khá lên, các hoạt động “vì sự tiến bộ của phụ nữ” của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể các cấp cũng đã tác động tích cực đến các chị. Tuy nhiên, phần đông họ vẫn chưa bắt kịp với xu hướng phát triển chung của giới mình, và vì thế, khoảng cách giữa phụ nữ người dân tộc thiểu số, phụ nữ ở miền núi với phụ nữ ở phố thị hãy còn xa lắm.
DIỆP THỊ DIỆU