TPHCM: 97% bệnh nhân mắc sởi trên 9 tháng tuổi không được tiêm chủng
Trước tình hình dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, sáng 9.3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế phường 15, quận 8; Bệnh viện Nhi đồng 1.
Đoàn cũng đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế TPHCM về công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn TPHCM.
Đại diện Trung tâm Y tế phường 15, quận 8 cho biết, tính từ ngày 1.1 đến 28.2, trên địa bàn có 23 trẻ mắc sởi, đây là phường có tỷ lệ trẻ mắc sởi cao nhất quận. Trong đó, trẻ từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc sởi cao nhất với 60 ca. Theo thống kê 2 tháng đầu năm, quận 8 đã có 60 ca mắc sởi ở nhóm người trên 16 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu gây mắc sởi là việc tiêm ngừa không đầy đủ. Nhiều phụ huynh e ngại những phản ứng khi tiêm vaccine nên không đưa trẻ đi tiêm chủng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại trước những trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi và người trên 16 tuổi mắc sởi, và chỉ rõ nguyên nhân là do ông bà, cha mẹ và cả người mắc sởi đã không tiêm ngừa vaccine đầy đủ.
Tại buổi làm việc này, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bày tỏ lo ngại với đoàn công tác Bộ Y tế về việc người tiêm chủng khai báo địa chỉ trên phần mềm không rõ ràng.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng đề xuất các cơ sở phụ sản cần tạo mã cho từng trẻ khi chào đời để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra tình trạng tiêm ngừa. Bên cạnh đó, trung tâm y tế cần kết hợp với trường học để rà soát đối tượng chưa tiêm chủng thì buộc phải tiêm chủng vaccine. Khi trẻ thay đổi địa chỉ cư trú thì trung tâm y tế cần cập nhật nhanh chóng, chính xác vào phần mềm quản lý tiêm chủng.
Tại BV Nhi đồng 1, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thăm hỏi các bệnh nhi đang khám bệnh và lưu ý lãnh đạo BV việc tránh bố trí phòng bệnh gây lây nhiễm chéo.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cùng đại diện BV Nhi đồng 1, BV Bệnh nhiệt đới về công tác phòng chống dịch sởi.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, từ năm 2018 đến hết tháng 2.2019 toàn TP có 4.327 ca mắc sởi. Hiện số ca mắc sởi đang có dấu hiệu giảm hàng tuần. Trong đó, độ tuổi mắc sởi cao nhất từ 5 - 16, với tỷ lệ 28%. Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị có đến 97% bệnh nhân mắc sởi trên 9 tháng tuổi không được tiêm chủng trước đó.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, tại TPHCM tổng số trẻ không được tham gia tiêm trong chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi toàn TP là 139.005 trẻ (chiếm tỷ lệ 47%). Nguyên nhân dẫn đến số lượng trẻ tiêm vaccine ít là do người dân không có nhu cầu và cũng không cung cấp tiền sử tiêm vaccine trước đó.
Đại diện BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, BV đã tiếp nhận 1.100 ca mắc sởi đến điều trị, trong đó 2/3 bệnh nhân cư trú tại TPHCM, 1/3 bệnh nhân sinh sống ở các tỉnh. Hiện tại, số bệnh nhân sởi tại BV có xu hướng giảm dần.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, khẳng định, việc trẻ mắc sởi là do “lỗ hổng” tiêm chủng. Để khắc phục tình trạng trên, cơ sở tiêm chủng mở rộng cần phối hợp cùng cơ sở tiêm chủng dịch vụ quản lý tiêm chủng chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các trung tâm y tế và cơ sở tiêm chủng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, kêu gọi người dân cho trẻ đi tiêm ngừa sởi; đồng thời nhấn mạnh việc siết chặt quản lý đối tượng tiêm ngừa để tránh trường hợp tiêm chủng sót người.
Theo KIM HUYỀN (SGGP)