Hoài Ân sau 3 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nhiều kết quả tích cực
Sau 3 năm thực hiện Ðề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, huyện Hoài Ân đã có nhiều chuyển biến rõ nét, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp tăng khá, bền vững.
Sau khi Đề án được phê duyệt, UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, tổ chức hội nghị triển khai Đề án đến các địa phương, các ngành trong huyện. Từng nội dung cần tập trung thực hiện tái cơ cấu được xác định rõ, có chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện cụ thể.
Những kết quả đáng phấn khởi
Sản xuất nông nghiệp ở Hoài Ân phát triển tốt có phần đóng góp rất lớn từ cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống có chất lượng cao. Đây là nền tảng căn bản để Hoài Ân tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trước tiên trong lĩnh vực cây trồng, huyện tập trung phổ biến sử dụng giống mới, có năng suất cao, thâm canh. Lấy ví dụ ở cây bắp, sau khi có chủ trương, nhiều địa phương trong huyện mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa hiệu quả thấp sang trồng bắp với hiệu quả cao hơn. Kết quả không chỉ chuyển đổi thành công gần 1.300 ha mà còn phát triển cả cây bắp dùng làm thức ăn chăn nuôi tại các xã như: Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Tường Tây…
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (thứ hai, từ phải qua) thăm một cơ sở trồng hoa cảnh theo mô hình khuyến nông tại Hoài Ân.
Bên cạnh cây lúa ổn định diện tích sản xuất 8.000 ha/2 vụ/năm, sau 3 năm (2016 - 2018) triển khai thực hiện Dự án phát triển cây trồng có thế mạnh của huyện, đến nay Hoài Ân đã có: 407 ha dừa xiêm, 240 ha bưởi da xanh, 115 ha bơ sáp. Trong đó, diện tích đã cho sản phẩm thu hoạch 141 ha. Lấy điển hình là cây bưởi da xanh, đây là giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai địa phương, quả to, màu sắc xanh đẹp và hương vị thơm ngọt. Để tăng tính khách quan, đồng thời tiếp thị nông sản địa phương, huyện Hoài Ân tích cực đưa bưởi da xanh Hoài Ân tham dự, giới thiệu ở nhiều hội chợ trong nước và bước đầu được người tiêu dùng chấp nhận. Từ kết quả này, theo kế hoạch, riêng năm 2019, huyện sẽ xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh chuẩn trên diện tích 32 ha.
Cùng với việc đầu tư phát triển lĩnh vực trồng trọt, huyện còn phát triển mạnh về chăn nuôi quy mô lớn, theo hướng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm chất lượng cao. Không chỉ sản xuất tốt, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại địa phương cũng được triển khai khá hiệu quả, ví dụ điển hình là: xây dựng chuỗi liên kết với TP Đà Nẵng trong tiêu thụ thịt heo an toàn, liên kết với Vinamilk Bình Định, Nutifood Gia Lai trồng bắp sinh khối làm thức ăn cho bò, liên kết với các cơ sở ươm tơ Quảng Ngãi, Lâm Đồng xúc tiến xây dựng xưởng ươm tơ để ổn định bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương.
Khắc phục hạn chế, tiếp tục phát triển
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án còn nhiều hạn chế mà nếu khắc phục tốt sẽ giúp nông nghiệp Hoài Ân thay đổi triệt để. Điểm đáng lưu ý đầu tiên là mối liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ, lợi ích từ mô hình chưa rõ ràng nên chưa thu hút được nhiều nông dân và DN tham gia. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chưa nhiều.
Một khó khăn lớn nữa là nguồn lực của huyện có hạn, trong khi sự hỗ trợ của tỉnh, trung ương hạn chế, nhận thức của người dân về kinh tế thị trường chưa cao, tập quán sản xuất còn lạc hậu. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm triển khai thực hiện Đề án, tổ chức thực hiện nhiều xã còn chung chung chưa triển khai rộng rãi đến người dân...
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, nhận định: Từ những thành công ban đầu có thể khẳng định, sự tập trung lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự phối hợp nhịp nhàng của các ngành, đoàn thể trong thực hiện Đề án tạo được niềm tin trong nông dân, nhờ hiệu quả đo đếm được qua thực tế sản xuất. Ở đâu - khi cán bộ lãnh đạo sâu sát thực tế, tháo gỡ khó khăn nhanh chóng, hỗ trợ và động viên kịp thời các điển hình sản xuất tiên tiến - thì ở đó, sức phát triển của Đề án sẽ sôi động và bền vững; từ đó sẽ tác động đến toàn cục. Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ 3 năm thực hiện Đề án, tích cực thực hiện mạnh mẽ hơn, thời gian tới chắc chắn Hoài Ân sẽ còn phát triển tốt hơn.
VĂN HÙNG