Thực hiện chỉ thị 27-CT/TW trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực: Thêm động lực, tăng hiệu quả
Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðây là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả của công tác chống tham nhũng, tiêu cực đang được dư luận rất quan tâm.
Chỉ thị số 27-CT/TW nêu rõ, thời gian qua, để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp ý, phê bình, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; Ðảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu.
Việc bảo vệ người tố cáo cần được quy định theo hướng cụ thể, đồng bộ.
- Trong ảnh: Người dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) gửi nội dung khiếu nại, tố cáo cho lãnh đạo Thanh tra tỉnh.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm. Việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa yên tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm...
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên là do cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu ở không ít nơi chưa quan tâm đến công tác này.
Ðể khắc phục tình trạng đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách. Đặc biệt, phải sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, uốn nắn lệch lạc trong quá trình thực hiện của cấp dưới. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không làm hết thẩm quyền để xảy ra tình trạng người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ việc bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các cấp.
Ngăn chặn hành vi trả thù, trù dập người tố cáo
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 27-CT/TW cũng cho rằng, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể. Công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được coi trọng, trong khi các hành vi này ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Tạo động lực, khuyến khích người tố cáo
“Nghiên cứu, đánh giá các quy định hiện hành về khen thưởng người tố cáo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hình thức, nội dung, cách thức tổ chức khen thưởng phải thực sự góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhưng không để lộ lọt thông tin, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo”.
Trích Chỉ thị số 27-CT/TW.
Do đó, các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quy định liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo theo hướng cụ thể, đồng bộ, có chế tài xử lý nghiêm khắc, chú trọng các biện pháp phòng ngừa; làm rõ những biểu hiện của hành vi trả thù, trù dập người tố cáo dưới mọi hình thức để làm cơ sở nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này.
Đồng thời, ban hành quy định và hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2018; ban hành quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về những hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức mà Luật Tố cáo năm 2018 chưa quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác bảo vệ người tố cáo, trong đó nhấn mạnh đến việc phát hiện, làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và công khai kết quả xử lý... Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, trọng tâm của công tác bảo vệ người tố cáo chính là thực hiện được các giải pháp để họ không bị trù dập dưới mọi hình thức.
Trong khi đó, để khuyến khích người dân đứng ra tố cáo, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đặng Thành Thái nêu một “hướng mở”: bỏ yêu cầu ghi rõ số CMND, căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người tố cáo trong đơn. “Làm được vậy sẽ khuyến khích những người “nhút nhát” tham gia tố cáo, đảm bảo công bằng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố cáo”, ông Thái phân tích.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị cũng yêu cầu đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đối với các hành vi lợi dụng quyền phản ánh, tố giác, tố cáo để bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân liên quan.
“Quá trình triển khai thi hành Luật Tố cáo năm 2018, chúng tôi lưu ý đến 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Yêu cầu quan trọng là xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật”, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm nhận định.
NGUYỄN VĂN TRANG