Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Bình Ðịnh: Sẵn sàng tham gia “sân chơi” CPTPP
Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản. Hiện, các DN xuất khẩu thủy sản Bình Ðịnh đã sẵn sàng cho “sân chơi” lớn này.
Việc Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng sang các thị trường lớn, đầy tiềm năng như: Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Peru, New Zealand… Theo Bộ Công Thương, các nước thành viên CPTPP hàng năm nhập khẩu gần 2 tỉ USD hàng hóa, tương đương 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; trong đó thị trường Nhật chiếm trên 15%. Với thị trường này, các DN xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ được hưởng lợi nhiều nhất. Bên cạnh đó, New Zealand và Australia được nhận định là 2 thị trường mới có sức tiêu thụ sản phẩm thủy sản lớn cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này.
Nhiều cơ hội
Được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội nhất khi tham gia CPTPP, dự báo với tiên lượng tốt về khả năng thành hiện thực của CPTPP, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản tỉnh ta đã chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường vào các nước thành viên CPTPP.
Chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu tại BIDIFISCO.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), cho biết: Tham gia CPTPP sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho DN; bởi khi xuất khẩu vào 10 thị trường thành viên CPTPP, thuế quan sẽ được giảm dần về 0%. Hiện nay, để chủ động “chinh chiến” ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Canada, New Zealand, Australia… DN chúng tôi đã đầu tư mạnh cho các chương trình quản lý chất lượng như chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm quốc tế công đoạn chế biến theo tiêu chuẩn BRC-VER6; chứng nhận mức độ an ninh thực phẩm toàn cầu IFS-VER6... Nhờ vậy, các tổ chức quốc tế như SGS, Nafiquaved, Vicas, Intertek kiểm tra và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của BIDIFISCO đạt 63 triệu USD. Năm nay, DN đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức trên 5%. Riêng 2 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã thực hiện đạt 9 triệu USD. Do vậy, cơ hội từ CPTPP sẽ tạo điều kiện thuận lợi để DN mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu”, bà Lan nói.
Đối với Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc công ty cho hay, tham gia vào thị trường CPTPP sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các sản phẩm tôm đông lạnh vốn là thế mạnh xuất khẩu của đơn vị. Trước đây, các thị trường xuất khẩu truyền thống của mặt hàng tôm đông lạnh chủ yếu là các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, khi CPTPP chính thức có hiệu lực, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu đến các quốc gia như Canada, Australia, New Zealand, Mexico… “Năm nay, chúng tôi đề ra chỉ tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 7 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với năm 2018. Để đạt mục tiêu này, DN sẽ đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng cạnh tranh tại các thị trường mới”, ông Sơn cho hay.
Tập trung hỗ trợ DN
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham gia CPTPP không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu mà còn đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Bởi lẽ khi đưa thuế suất về 0% chắc chắn các nước thành viên CPTPP sẽ dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt hơn. Để tận dụng được các cơ hội, các DN phải chủ động thay đổi phương thức sản xuất và thích nghi với luật chơi quốc tế để đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, công nghệ hiện đại và đội ngũ lao động có tay nghề.
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm nay đạt 153,4 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, các sản phẩm gỗ, hàng dệt may, thủy sản chiếm tỉ trọng lớn. Cụ thể, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 63,7 triệu USD, tăng 9,2%; hàng dệt may đạt 27 triệu USD, tăng 1,8%; hàng thủy sản đạt 14,2 triệu USD, tăng 26,4%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 7,7 triệu USD, tăng 85,2%...
Đây rõ ràng là thách thức đối với các DN trên địa bàn tỉnh ta, vì hiện nay phần lớn các DN của tỉnh là DN nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, nền tảng tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp... Do vậy, để phát triển bền vững, tự thân các DN cần phải có sự nỗ lực rất lớn, tăng cường đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Để tạo điều kiện hỗ trợ các DN, mới đây, tại cuộc họp thường kỳ tháng 2, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 3, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, các hiệp hội kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của DN, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp các DN đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng mà tỉnh có thế mạnh như lâm sản, thủy sản, hàng dệt may...
NGUYỄN HÂN - THU DỊU