Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược khóa XIII: Bước đi thận trọng, bài bản
Theo nhiều chuyên gia, việc quy hoạch cán bộ cho một nhiệm kỳ sẽ bảo đảm tính tập trung hơn trong lựa chọn cán bộ có tài năng, đức độ thật sự.
Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy cán bộ có vai trò quyết định mọi thành bại của cách mạng. Điều ấy càng có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ cấp chiến lược bởi họ là người vừa trực tiếp xây dựng vừa tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện các nghị quyết, đề án về công tác cán bộ, vừa qua, Đảng đã có những đổi mới trong quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Chỉ quy hoạch cán bộ một nhiệm kỳ
Theo ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia cao cấp về xây dựng Đảng, điểm mới trong công tác quy hoạch lần này là Đảng tiến hành sớm hơn các nhiệm kỳ trước với những quy trình chặt chẽ, khách quan và công khai minh bạch, nên về cơ bản, việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã hình thành bộ khung, tuy nhiên Đảng ta quán triệt rõ việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 chưa phải là nhân sự cụ thể cho nhiệm kỳ tới mà là một bước chuẩn bị quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Chuyên gia nhận định, việc quy hoạch cán bộ ở một nhiệm kỳ sẽ bảo đảm tính tập trung hơn trong lựa chọn cán bộ (Ảnh minh họa)
Ông Hà cũng nhấn mạnh, để không lọt những người không xứng đáng, đặc biệt là những người suy thoái về tư tưởng chính trị, những người tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực thì dứt khoát phải lựa chọn và sàng lọc thật kỹ.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương ban hành nhiều chủ trương rất mới có ý nghĩa quan trọng chi phối trực tiếp đến công tác quy hoạch cán bộ chiến lược như thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy, nhất là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không phải người địa phương; thực hiện nhất quán chủ trương quy hoạch cán bộ chiến lược chỉ một nhiệm kỳ duy nhất. Đây là điểm mới trong quy hoạch cán bộ cấp chiến lược so với các nhiệm kỳ trước.
Theo nhiều chuyên gia, việc quy hoạch cán bộ ở một nhiệm kỳ sẽ bảo đảm tính tập trung hơn trong lựa chọn cán bộ có tài năng, đức độ thật sự, tránh dàn trải, đông về số lượng nhưng không đảm bảo về chất lượng. Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy, trước tác động của điều kiện xã hội hiện tại, tư tưởng, đạo đức thậm chí nhân cách của không ít cán bộ có những thay đổi mau lẹ sẽ khó theo dõi, giám sát trong nhiều nhiệm kỳ.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an nhận xét, quy hoạch trước đây ta làm thử cũng có cái hay, dự kiến 40 tuổi vào Trung ương, đến 50 tuổi vào Bộ Chính trị, nhìn xa như thế cũng tốt nhưng thực tế cuộc sống chuyển biến nhanh quá. Nên việc điều chỉnh lần này chỉ để xây dựng quy hoạch cho khóa XIII thôi. Quy hoạch cho 1 nhiệm kỳ có cái hay, đúng với thực tế, như vậy có khả năng làm cho chất lượng quy hoạch sẽ tốt hơn, cao hơn. Quy hoạch dài hơn e rằng sẽ không đảm bảo sự phát triển của từng cán bộ, không đúng như mình mong muốn.
Khác với những lần trước, việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 không làm đồng thời các chức danh mà làm từng bước, quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương sau đó đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng mới là các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đây là các bước chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự Đại hội XIII.
Tại Hội nghị Trung ương 9 cuối tháng 12.2018 vừa qua, Đảng đã lựa chọn được hơn 200 cán bộ đủ tiêu chuẩn đưa vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa sau. Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được làm bài bản công phu, được đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Song nhiều chuyên gia cho rằng, cần quan tâm nhiều hơn đến công tác kiểm tra, giám sát số cán bộ đã đưa vào diện quy hoạch, kịp thời phát hiện, bổ sung các nhân tố mới để đưa vào quy hoạch cán bộ chiến lược để có được đội ngũ cán bộ đủ tâm, tài lãnh đạo đất nước phát triển.
Thường xuyên giám sát cán bộ được quy hoạch
Để không chọn nhầm như đã từng xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát số cán bộ đã đưa vào diện quy hoạch, nếu phát hiện có sai phạm phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch, đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị giới thiệu báo cáo Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét tại các Hội nghị Trung ương tiếp theo.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo nêu quan điểm, thực tiễn triển khai có những chỗ bị “khúc xạ”, bị biến dạng, để cho những động cơ, mục đích không trong sáng người ta còn gọi là lợi ích nhóm hay những việc vượt qua nguyên tắc tập trung dân chủ, lợi dụng chức quyền để đưa những người thân thích không xứng đáng với đánh giá chung của đảng và nhân dân vào bộ máy.
Trong xem xét lựa chọn giới thiệu nhân sự quy hoạch, trước hết phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân, năng lực công tác gắn với kết quả công tác. Cán bộ cấp chiến lược phải có hoài bão, khát vọng đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong công tác quy hoạch, cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan tham mưu trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng thẩm tra nhân sự, quy hoạch, đồng thời giữ vững nguyên tắc phát huy dân chủ trong xem xét quyết định nhân sự, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông cho rằng, để đánh giá, lựa chọn đúng cán bộ, không chỉ căn cứ vào kết quả từ lá phiếu tín nhiệm ở các hội nghị mà nắm chắc cấp ủy sở tại để có thông tin chính xác về cán bộ trong diện quy hoạch, đồng thời dựa vào ý kiến đánh giá nhận xét của nhân dân và các kênh thông tin giám sát khác để có được sự đánh giá khách quan. Đồng thời Đảng cũng cần tạo ra môi trường làm việc khác nhau để vừa đào tạo, vừa thẩm định và có cái nhìn đa chiều về con người, mới có thể có cán bộ tốt.
“Chúng ta dựa vào lòng dân, dựa vào sự phát hiện của dân, của báo chí, của xã hội, để có thể phát hiện sớm, uốn nắn sớm, sẽ đỡ được tổn thất. Tôi nghĩ việc đó phải kết hợp giữa sự phấn đấu của cán bộ, giám sát của cấp trên. Cùng là một con người nhưng ngồi trong túp lều họ nghĩ khác, trong cung điện sẽ nghĩ khác. Đưa một cán bộ tốt xuống làm Chủ tịch một tỉnh nghèo nhất xem anh ta làm thế nào, sau đó thành công thì rút ra làm ở một tỉnh, thành giàu nhất. Khi thành công ở hai môi trường đó, thì rút họ về Trung ương để chuẩn bị cho cán bộ cao cấp. Tôi nghĩ cách đào tạo đó rất đúng, sẽ không bao giờ nhầm lẫn trong việc chọn cán bộ”, nguyên Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông nêu quan điểm.
Việc Trung ương chuẩn bị nhân sự cho BCH Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 vào cuối năm 2018 là một bước đi sớm so với các nhiệm kỳ trước. Điều đó thể hiện tầm nhìn và sự chủ động, cho thấy bước đi thận trọng, bài bản trong công tác cán bộ, chuẩn bị cho nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng./.
Theo PV (VOV1)