Đề thi THPT quốc gia 2019: Tăng cường bảo mật
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GDĐT dự kiến sẽ tăng cường hàng loạt các biện pháp kỹ thuật nhằm chống gian lận thi cử. Mặc dù vậy, ông Trinh khẳng định yếu tố quyết định cho một kỳ thi an toàn, nghiêm túc vẫn là con người. Do đó, trong quy chế năm nay, Bộ nhấn mạnh việc lựa chọn nhân sự.
Bộ GDĐT sử dụng nhiều biện pháp tăng cường bảo mật đề thi THPT quốc gia.
Mỗi thí sinh một mã đề riêng
Công tác bảo mật đề thi THPT quốc gia 2019 hiện nay vẫn là một trong những băn khoăn lớn. Trước đó, sự cố lọt đề thi ở Hà Nội năm 2018 là một bài học về công tác bảo mật đề thi THPT quốc gia cần được đặt lên hàng đầu. Theo quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi THPT quốc gia được Bộ GDĐT ban hành hồi tháng 4.2018, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có thực sự công bằng khách quan và bảo mật?
Bởi các câu hỏi sau khi được thẩm định sẽ được thử nghiệm, bảo đảm mỗi câu phải có tối thiểu 50 lượt học sinh làm thử. Các câu hỏi sau đó tiếp tục được chỉnh sửa và lại thử nghiệm một lần nữa - ít nhất 50 lượt học sinh sẽ làm thử các câu hỏi này. Sau khi hoàn thiện, các câu hỏi được rà soát, lựa chọn để đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Như thế, với ngân hàng bao gồm hàng nghìn câu hỏi, Bộ GDĐT có bảo đảm nội dung các câu hỏi đang được hoàn thiện này không lọt ra ngoài? Quy trình bảo mật của đề thi ra sao?
Xung quanh những băn khoăn này, ông Mai Văn Trinh cho hay một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm tính công bằng, khách quan trong công tác tổ chức thi ngay tại địa phương là tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm, với yêu cầu xây dựng cho mỗi thí sinh trong phòng thi một mã đề thi riêng, bảo đảm sự cân bằng về độ khó giữa các mã đề thi. Bộ GDĐT đã triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa làm cơ sở cho hội đồng ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia tham khảo khi ra đề thi. Ngân hàng câu hỏi này được xây dựng theo đúng khoa học về đo lường, đánh giá hiện đại trong giáo dục với quy trình chặt chẽ gồm 9 bước, được nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến áp dụng.
Theo quy trình này, các câu hỏi thi sau khi biên soạn, biên tập phải được thử nghiệm, chỉnh sửa nhiều lần mới được lựa chọn, tinh chỉnh đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để làm tư liệu tham khảo cho việc ra đề thi của kỳ thi. Các câu hỏi thi thuộc ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được các tổ của hội đồng ra đề thi khai thác tại khu vực cách ly qua các bước thẩm định, lựa chọn, biên tập, tinh chỉnh, phản biện nhiều lần để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi.
9 bước xây dựng ngân hàng câu hỏi
Cụ thể, quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa gồm 9 bước. Bước 1 thành lập nhóm chuyên gia và nhóm cán bộ điều phối xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Bước 2, xây dựng ma trận đề thi và thiết kế bản đặc tả đề thi (dựa trên định dạng đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định của Bộ GDĐT). Bước 3 soạn thảo câu hỏi thô. Bước 4, rà soát, chọn lọc và biên tập và thẩm định câu hỏi. Bước 5 thử nghiệm, phân tích và đánh giá câu hỏi. Bước 6, chỉnh sửa câu hỏi sau thử nghiệm. Bước 7 xây dựng đề thi thử nghiệm , phân tích đánh giá, cân bằng độ khó của các đề thi. Bước 8, chỉnh sửa lại các câu hỏi sau thử nghiệm đề thi. Bước 9, rà soát, lựa chọn, nhập các câu hỏi và ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Với quy trình “siêu phức tạp” như vậy, mặc dù ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa là tài liệu tham khảo để ra đề thi tuy không nằm trong phạm vi tài liệu phải “giữ bí mật tuyệt đối” nhưng quy trình xây dựng cần phải được thực hiện nghiêm ngặt. Vì vậy, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã chủ động xây dựng quy định bảo mật, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Khảo thí quốc gia quán triệt áp dụng ngay trong từng công đoạn của quy trình 9 bước. Tuy nhiên, theo ông Trinh, quy trình 9 bước này mới được triển khai ở Việt Nam từ năm 2017 nên đã dẫn đến những cách hiểu chưa thật chính xác trong dư luận. Trong đó, có việc thử nghiệm câu hỏi thi được tổ chức tại một số trường THPT.
Theo Thu Hương (daidoanket.vn)