Không nên cưới mà không đăng ký kết hôn
Nhiều bạn trẻ ngày nay, cưới trước, đăng ký kết hôn sau; hoặc lần lữa việc đăng ký kết hôn nhằm “thủ thế”, phòng lúc chán nhau thì chia tay cho dễ, đỡ phải mang tiếng “một đời chồng (vợ)”. Hiện tượng này đã khiến nhiều người thắc mắc: Liệu có vi phạm pháp luật hay không?
Thật ra, cưới mà không đăng ký kết hôn là không vi phạm pháp luật, bởi lẽ: Đăng ký kết hôn là quyền của công dân khi đã đủ các điều kiện cho phép. Pháp luật hiện hành không có quy định buộc phải đăng ký kết hôn trước, làm đám cưới sau (cũng không cấm việc này) và cũng không có điều luật nào quy định xử phạt hành chính đối với hành vi trên (theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nghị định số 158/2005 ngày 27.12.2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch và Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21.11.2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình).
Tuy nhiên, hôn nhân không chỉ là sự ràng buộc hai con người ở mặt pháp lý mà còn mang tính truyền thống, thế nên, với xã hội ta nói chung, chưa cần biết chuyện có đăng ký kết hôn hay không, nhưng có tổ chức đám cưới với sự chứng kiến của gia đình, người thân thì họ đã chính thức trở thành vợ chồng.
Hơn nữa, nếu tiến đến hôn nhân một cách nghiêm túc với việc đăng ký kết hôn đàng hoàng, thì sự ràng buộc về mặt pháp lý (và cả tinh thần) sẽ khiến các cặp vợ chồng có trách nhiệm hơn với cuộc hôn nhân của mình, biết vun đắp hơn và không dễ ly hôn.
Hôn nhân cần sự tự nguyện, tiến bộ và bình đẳng. Pháp luật nghiêm cấm mọi sự ép buộc. Đăng ký kết hôn là sự kiện pháp lý quan trọng, vừa gắn kết hai công dân với nhau, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho vợ chồng, con cái… Vì vậy, cưới mà không đăng ký kết hôn là không nên. Hôn nhân đâu phải trò đùa.
CAO KỲ NAM