Ðề án dồn điền, đổi thửa tại xã Nhơn Lộc: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng!
Năm 2014, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn được UBND tỉnh lựa chọn thực hiện thí điểm Ðề án dồn điền đổi thửa. Tuy đạt kết quả ban đầu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên Ðề án khó nhân rộng.
Theo ngành chức năng của tỉnh, sở dĩ tỉnh ta chọn xã Nhơn Lộc để thực hiện thí điểm Đề án dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) bởi địa phương luôn thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Người dân không thống nhất
Khi chính sách về đến cơ sở, xã Nhơn Lộc chọn thôn Trường Cửu để thực hiện thí điểm Đề án bởi diện tích đất nông nghiệp ở đây phân bố tập trung, đất đai có độ phì nhiêu màu mỡ hơn so với những thôn lân cận. Các cánh đồng cũng đã được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; ranh giới thửa ruộng ít biến động so với thời điểm giao quyền sử dụng. Hơn nữa, phần lớn người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp và chịu khó tiếp cận, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên thuận lợi cho việc thực hiện thí điểm Đề án.
Sau khi được cải tạo, cánh đồng Phụng Phàng, ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc bằng phẳng hơn.
Trên cơ sở hướng dẫn của ngành chức năng TX An Nhơn, xã Nhơn Lộc đã điều tra, đánh giá hiện trạng đất sản xuất tại thôn Trường Cửu; tổ chức tham vấn cộng đồng; xây dựng hệ số quy đổi; phân nhóm hộ gia đình theo quy mô diện tích đất sản xuất đã giao quyền sử dụng tham gia DĐĐT theo từng nhóm và thông báo công khai cho dân biết. Sau đó xã tổ chức cho người dân bốc thăm, lựa chọn đất.
Ông Nguyễn Huỳnh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: Có 995 thửa đất, diện tích 64,28 ha của 224 hộ dân được quy hoạch để DĐĐT. Sau khi DĐĐT, mỗi hộ sẽ có 1 thửa đất sản xuất nông nghiệp lớn hoặc 1 khoảnh đất gồm một số thửa đất sản xuất liền kề nhau. Khi xã tổ chức bốc thăm, 100% nông hộ ở thôn Trường Cửu đã tham gia và đều ký nhận khoảnh mới đã bốc thăm trúng. Tuy nhiên, đến khi kiểm tra thực địa, nông dân lại không đồng ý đổi thửa cho nhau. Nhiều hộ dân cho rằng, diện tích đất hạng 3 (đất xấu) lớn sẽ mất nhiều chi phí đầu tư cải tạo. Một số hộ khác thì phàn nàn về độ cao chênh lệch giữa khoảnh này và khoảnh khác ở trên cùng một cánh đồng, khó đầu tư, bố trí sản xuất…
Ông Trần Thế Vân, Trưởng thôn Trường Cửu, chia sẻ: Chúng tôi mất nhiều thời gian công sức tổ chức tuyên truyền vận động, giải thích, nhưng người dân vẫn không thống nhất DĐĐT, nên không thực hiện được Đề án.
Phương án mới hiệu quả, nhưng khó nhân rộng
Năm 2017, được sự đồng ý của UBND tỉnh và TX An Nhơn, xã Nhơn Lộc tiếp tục triển khai phương án DĐĐT, chỉnh trang vùng ruộng sau cải tạo, để liên kết sản xuất lúa giống tại thôn Trường Cửu. Phương án mà xã Nhơn Lộc áp dụng là quy hoạch lại 11 ha đất tại các cánh đồng: Phụng Phàng, Tre Một, Vùng Tâm, Mả Tuấn, Đông Đùi, cho DN san ủi, tạo mặt bằng, DN hỗ trợ một phần chi phí cho nông dân. Các hộ sở hữu những thửa ruộng có diện tích dưới 1.000 m2 tự thỏa thuận ghép ruộng với nhau (ghép những thửa lân cận thành khoảnh lớn), mỗi thửa sau khi ghép có diện tích tối thiểu là 1.000 m2 và đăng ký với UBND xã.
Sau khi các hộ dân thống nhất nhóm ghép ruộng với nhau, xã tiến hành phân chia thửa ruộng trên thực tế; tổ chức bốc thăm cho các nhóm hộ và tiến hành giao đất thực địa. Phương án này đã được 47 hộ thống nhất thực hiện, qua đó đã giảm từ 159 thửa đất còn 71 thửa, nâng diện tích nhỏ nhất từ 250 m2/thửa lên 1.100m2 và đã tạo được cánh đồng sản xuất lúa tập trung. Vụ Đông Xuân 2017 - 2018, HTXNN 1 Nhơn Lộc đã ký hợp đồng với các nông dân đã ghép ruộng với nhau để sản xuất lúa giống. Kết quả lợi ích thu về từ 1 ha sản xuất lúa giống cao hơn 1,2 lần so với sản xuất lúa thông thường.
Ông Hà Văn Bảy, một trong những hộ ký hợp đồng với HTXNN 1 Nhơn Lộc sản xuất lúa giống, cho hay: Diện tích đất được cải tạo lại bằng phẳng và nhiều khoảnh nhỏ được ghép lại thành ruộng lớn nên dễ canh tác hơn trước. Riêng gia đình tôi và một số hộ đã ghép ruộng lại với nhau được hơn 3 sào sản xuất lúa giống, thu nhập cao hơn gấp 2 lần so với sản xuất lúa thuần.
Mặc dù phương án DĐĐT, chỉnh trang vùng ruộng sau cải tạo thôn Trường Cửu bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, nhưng theo chính quyền xã Nhơn Lộc, rất khó nhân rộng phương án này, bởi kinh phí đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, đầu tư để cải tạo lại ruộng đồng… rất lớn. Vấn đề quan trọng hơn là người dân các thôn khác không thống nhất việc ghép ruộng như ở Trường Cửu. Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn Đào Xuân Huy cho biết: Thị xã cũng chưa tổ chức đánh giá phương án DĐĐT, chỉnh trang vùng ruộng sau cải tạo tại Nhơn Lộc, nên hiện chưa tính đến chuyện nhân rộng.
PHẠM TIẾN SỸ