Cấm mai táng, cải táng tại nghĩa trang Quy Nhơn: Chưa triệt để
Theo thông báo của UBND TP Quy Nhơn, từ ngày 22.10.2018, trừ khu nghĩa trang trung cao, việc mai táng, cải táng bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức tại Nghĩa trang Quy Nhơn (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn). Tuy nhiên, hiện hoạt động mai táng, cải táng vẫn diễn ra, một số người còn công khai rao bán đất mộ phần tại đây.
Công khai rao bán đất mộ phần
Những ngày đầu tháng 3.2019, trong vai người có nhu cầu mua đất mộ phần cho người thân, PV Báo Bình Định tìm đến nghĩa trang Quy Nhơn - tọa lạc tại tổ 28, KV 3 (phường Quang Trung) - để thâm nhập thị trường “bất động sản” nơi đây. Nghe chúng tôi đặt vấn đề, người phụ nữ tên Phúc đon đả giới thiệu: “Mấy anh tìm đúng người rồi, trong này tui còn hơn 30 lô mộ gió (chỉ xây mộ chiếm chỗ, chưa chôn cất người chết - PV) đã xây sẵn phần khung, muốn chôn cất chỉ cần mở phần nắp bê tông phía trên là được”.
“Anh muốn mua mấy lô, mua chôn liền hay để dành? Một lô dài 2,5 m, rộng 2 m, sâu 2 m có giá 40 triệu đồng; nếu mua nhiều thì tui giảm 2 triệu đồng/mộ. Khi chôn cất xong tui phụ trách luôn phần xây mộ với giá mềm hơn người khác”, bà Phúc tiếp tục mời chào.
Chúng tôi ngỏ ý muốn xem qua các mộ gió, bà Phúc liền cử một người đàn ông dẫn đi “tham quan” một vòng khoảng 6 mộ. Những mộ này đã được xây sẵn phần khung bằng bê tông xi măng, phía trên đậy nắp bê tông hoặc được lấp đầy bằng đất, cát. Những mộ gió này được người đàn ông tận dụng làm nơi nuôi nhốt gà.
Sau đó, để tạo niềm tin cho chúng tôi, bà Phúc tiếp tục quảng cáo: “Anh đồng ý mua thì đưa tiền, tui lấy dứt giá 38 triệu đồng/mộ, đưa tiền xong tui viết giấy, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Anh yên tâm, nhiều cán bộ, đại gia đều đã mua đất của tui, có người mua hẳn 10 lô cho người thân”.
Được biết không riêng bà Phúc, tại khu vực nghĩa trang Quy Nhơn còn khá nhiều “cò” chuyên rao bán đất mộ phần. Các mộ phần được rao bán là mộ gió được một số đối tượng chiếm đất, xây cất từ trước. Ngoài ra, những mộ phần đã được hốt cốt, một số đối tượng “xí phần” rồi sau đó cải tạo, sửa chữa để rao bán. Bên cạnh đó, tại khu vực giáp ranh núi Vũng Chua, một số người lấn chiếm đất núi, sau đó xây dựng các mộ phần để bán. Giá mỗi mộ phần tùy thuộc vào từng vị trí, nhưng thường dao động từ 25 - 40 triệu đồng/mộ; những lô ở sâu trong khu vực núi Vũng Chua giá rẻ hơn.
Khó quản lý
Thị trường mua bán đất tại nghĩa trang Quy Nhơn còn công khai diễn ra, nên việc người dân tổ chức mai táng thân nhân qua đời là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, chính quyền địa phương và đơn vị có liên quan đều kêu khó phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
Dù đã có lệnh “đóng cửa”, dựng barie chắn đường vào, nhưng tại nghĩa trang Quy Nhơn vẫn còn nhiều trường hợp tiếp tục mai táng, cải táng...
Theo ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn: Hiện nay, công ty cử một người phụ trách ở nghĩa trang Quy Nhơn, nhưng chỉ quản lý việc mai táng tại khu dành cho đối tượng thuộc diện cán bộ trung cao. Tại khu nghĩa trang trung cao, một số gia đình trước đây mua sẵn mộ phần nên vẫn còn chôn cất; tuy nhiên, số lượng các mộ phần còn rất ít.
“Đơn vị chỉ quản lý khu chôn cất cán bộ trung cao và nhiệm vụ chính là thực hiện việc mai táng khi có người chết. Riêng khu nghĩa trang Phật giáo và phần nghĩa trang mở rộng phía trên núi Vũng Chua, công ty không thể quản lý. Trách nhiệm quản lý đất đai ở khu vực này thuộc về chính quyền địa phương”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Cùng quan điểm, ông Dương Hiệp Hòa, Chánh văn phòng UBND TP Quy Nhơn, cho rằng: “UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo UBND phường Quang Trung tăng cường quản lý đất đai, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng mồ mả tại khu vực nghĩa trang Quy Nhơn. Việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng mua bán đất mộ phần và mai táng, cải táng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho biết: UBND phường lắp dựng barie tại cổng ra, vào nghĩa trang Phật giáo và đoạn cuối đường Chi Lăng; lắp panô, áp phích tại một số con đường vào nghĩa trang Quy Nhơn để thông báo việc nghiêm cấm mai táng, cải táng tại đây. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn phường việc nghiêm cấm mai táng, cải táng; lấn chiếm đất, xây dựng mộ gió tại nghĩa trang Quy Nhơn. Nhưng việc chôn cất tại đây không chỉ riêng người dân phường Quang Trung, mà còn có ở một số địa phương khác như phường Ngô Mây, Lê Hồng Phong, Đống Đa… nên khó phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
“Gần đây, tình hình lấn chiếm đất, xây dựng mộ phần, chôn cất người chết ở khu vực núi Vũng Chua nói riêng, nghĩa trang Quy Nhơn nói chung đã giảm rất nhiều, nhưng thực tế vẫn còn diễn ra. Đa số các mộ mới chôn là mộ gió xây từ trước đây hoặc mộ đã được hốt cốt, một số người “xí phần” bán lại. Việc chôn cất đa phần diễn ra vào thứ 7, chủ nhật; thậm chí, nhiều đám tang không có “kèn trống” nên địa phương rất khó phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Khi biết được thì việc đã rồi nên không thể phá bỏ”, bà Yến giãi bày.
Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP Quy Nhơn và các ngành chức năng liên quan để lệnh “đóng cửa” nghĩa trang Quy Nhơn được thực hiện một cách triệt để, nghiêm minh.
Theo bản đồ năm 2000, nghĩa trang Quy Nhơn rộng hơn 137 ngàn m2; gồm nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn, khu nghĩa trang chôn cất cán bộ trung cao, khu nghĩa trang Phật giáo. Ðến năm 2018, tổng diện tích nghĩa trang hơn 148 ngàn m2, tăng thêm 11.000 m2 tại khu vực núi Vũng Chua là do nạn lấn chiếm đất. Trong khi đó, từ năm 1994, nghĩa trang Quy Nhơn không còn đất mai táng; UBND tỉnh có chủ trương chuyển việc mai táng người chết lên khu nghĩa trang thuộc phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn).
VĂN LỰC