Đà Nẵng hướng đến thành phố thực phẩm thông minh
Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó con người là trung tâm của hệ thống thực phẩm.
Đà Nẵng đang từng bước nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngày 12.3, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Chiến lược xây dựng thành phố thực phẩm thông minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030”.
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, những năm qua Đà Nẵng đã liên tục nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải và phụ phẩm, công tác kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi vẫn chưa được ngăn chặn xử lý triệt để.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng là một thành phố du lịch, dịch vụ, việc sản xuất, chế biến, thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân và du khách rất cao, nhưng do Thành phố không đáp ứng đủ nhu cầu của mình, nên phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng thực phẩm của các tỉnh bạn và nhập khẩu. Chính vì vậy, quản lý ATTP tại Đà Nẵng đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan, ban ngành và chính quyền.
Tháng 6/2018, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt dự án “Phân tích chuỗi giá trị thực phẩm và xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030” dưới sự hỗ trợ không hoàn lại của Quỹ Nghiên cứu và tư vấn Việt-Bỉ. Dự án đảm bảo mọi người dân tiếp cận với thực phẩm chất lượng bằng cách phát triển hệ thống mua sắm thực phẩm mới hoặc cải tiến theo cách thông minh và có sự tham gia của nhiều chuỗi liên kết.
UBND TP. Đà Nẵng cũng vừa ban hành Kế hoạch về việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn trong năm 2019. Kế hoạch đặt mục tiêu 100% cơ sở sản xuất rau, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ký cam kết thực hiện sản xuất rau an toàn, cam kết chăn nuôi an toàn và 90% các cơ sở kinh doanh nông sản, thủy sản tại các chợ đầu mối thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, các quận, huyện phấn đấu có 100% số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Tại hội thảo, bà Charlotte Flechet, đại diện Tổ chức phi chính phủ Rikolto đã chia sẻ thực tế triển khai xây dựng thành phố thực phẩm thông minh tại TP. Ghent (Bỉ).
Theo đó, từ tháng 10/2013, Ghent đã khởi động chiến lược “Thành phố thực phẩm thông minh hướng đến sự phát triển” với mục tiêu giảm tác động khí thải CO2 từ chuỗi thực phẩm và phát triển hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững. Ngoài việc xây dựng chính sách nông nghiệp bền vững, hỗ trợ thu mua thực phẩm bền vững, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, triển khai các sáng kiến, ý tưởng liên quan đến an toàn thực phẩm, Ghent còn tập trung xây dựng các bữa ăn tốt tại trường, đảm bảo học sinh được thụ hưởng những thực phẩm bền vững, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Theo phân tích của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để hướng đến thành phố thực phẩm thông minh, Đà Nẵng cần xây dựng chiến lược bền vững, trong đó con người là trung tâm của hệ thống thực phẩm.
Có 4 chiến lược cụ thể đề ra cho Đà Nẵng gồm: Thực phẩm phải bổ dưỡng, đa dạng, chất lượng và an toàn; tạo việc làm thu nhập tốt và kinh doanh nông sản tốt hơn; khả năng chi trả và khả năng tiếp cận trong vấn đề an ninh lương thực; hệ thống thực phẩm và nông nghiệp có khả năng chống chịu, bền vững.
Thành phố thực phẩm thông minh sẽ giải quyết nhu cầu tiêu dùng của người dân, đảm bảo mọi người dân tiếp cận với thực phẩm chất lượng bằng cách phát triển hệ thống mua sắm thực phẩm mới hoặc cải tiến theo cách thông minh và có sự tham gia của nhiều chuỗi liên kết. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu trên đến năm 2025 tầm nhìn 2030 là thách thức không nhỏ đối với Đà Nẵng và cần sự thay đổi lớn của toàn hệ thống chính trị, toàn thể người dân.
Theo Lưu Hương (Chinhphu.vn)