Đưa ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam gần hơn với bạn bè Nga
Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức “Diễn đàn Giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga” tại Thủ đô Moscow.
Mở đầu chuỗi hoạt động trong năm Việt – Nga 2019 và hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga. Ngày 12.3, tại thủ đô Moscow, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang đã tổ chức “Diễn đàn Giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga”.
Diễn đàn Giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga.
Tham dự Diễn đàn có hơn 100 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý của Liên bang Nga, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt và Việt Nam học hàng đầu của Liên bang Nga, đại diện cho các cơ sở nghiên cứu về ngôn ngữ Việt Nam và Việt Nam học đến từ: Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, ASEAN, Viện Ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, Viện Nghiên cứu Á Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov, Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, Trường Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông; Đại học Ngôn ngữ Moscow...
Các doanh nghiệp Nga và Việt Nam, cùng đông đảo sinh viên Nga, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt và ngành Việt Nam học tương lai tại Liên bang Nga; đại diện của các phòng, ban của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết, đây là sự kiện quan trọng của Đại sứ quán khởi đầu cho Năm chéo 2019. Đại sứ khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giáo dục và đào tạo nói chung, công tác phát triển đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu Việt ngữ học và ngành Việt Nam học nói riêng.
“Tiếng Việt và Việt Nam học trong những năm tháng qua đã khẳng định vai trò và tầm vóc của mình trong tiến trình là công cụ để tăng hiểu biết, tình cảm, quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt - Nga” - Đại sứ Ngô Đức Mạnh nói.
Diễn đàn đã lắng nghe 10 tham luận khoa học của các học giả Nga và Việt Nam đề cập đến tất cả các vấn đề của công tác giảng dạy nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt và Việt Nam học thực trạng, việc thiết kế chương trình, giáo trình, nguồn lực tài chính, xây dựng đội ngũ, sức hấp dẫn khoa học, triển vọng cũng như những tồn tại và hạn chế… mà giới Việt ngữ học và Việt Nam học Nga đang gặp phải. Tại phiên thảo luận cũng đã nêu nhiều ý tưởng, sáng kiến, đề xuất giải pháp cụ thể ở cấp độ chính sách cũng như cấp cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm tăng cường và củng cố công tác nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga trong thời gian tới.
Nhiều bạn trẻ Nga quan tâm đến ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam.
Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả và sinh viên Nga, trong đó có nhiều bạn trẻ nghiên say mê nghiên cứu tiếng Việt. Bạn Anton Shakhigulin, thạc sỹ chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Việt, Đại học tổng hợp Saint Petersburg cho biết em rất đam mê nghiên cứu tiếng Việt và mong muốn sau này sẽ tiếp tục gắn bó với ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam bởi cơ hội cho tiếng Việt tại Nga hiện nay đang rất lớn.
“Em có kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch và phiên dịch viên, nếu có cơ hội em mong muốn được làm việc tại Đại sứ quán Nga tại Việt Nam. Em cũng có thể làm giáo viên giảng dạy tiếng Việt hoặc làm việc tại công ty liên quan đến Việt Nam. Quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam bây giờ phát triển rất hiệu quả” - Anton Shakhigulin nói.
Nghiên cứu, phổ biến, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Nga đã đang và sẽ góp phần thắt chặt tình hữu nghị, tinh thần quan hệ quốc tế cao cả của hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, làm phong phú di sản của tình hữu nghị truyền thống quý báu, thủy chung và hiểu biết sâu sắc được vun đắp qua chiều dài lịch sử gần 70 năm qua./.
Theo Văn Thường (VOV)