Qua sáp nhập trường lớp phổ thông ở Hoài Nhơn: Giảm số lượng, giữ chất lượng
UBND huyện Hoài Nhơn vừa tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường thuộc Phòng GD&ÐT huyện Hoài Nhơn sau khi sáp nhập năm 2018. Theo đánh giá tại hội nghị, công tác dạy và học ở các trường đã dần đi vào ổn định.
Thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” của Huyện ủy Hoài Nhơn, UBND huyện đã tiến hành sáp nhập 16 trường mẫu giáo, mầm non và tiểu học trên địa bàn các xã, thị trấn: Bồng Sơn, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Đức, Hoài Phú. Sau khi sáp nhập đã giảm được 9 trường (trong đó có 4 trường mầm non, mẫu giáo và 5 trường tiểu học).
Công tác dạy và học vẫn được đảm bảo tốt sau khi sáp nhập ở Trường Tiểu học Bồng Sơn.
Kết quả bước đầu
Theo ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, được sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, sự phối hợp đồng bộ của các phòng, ban và Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn, trước khi thực hiện Đề án, lãnh đạo chính quyền và ngành trực tiếp xuống các trường làm công tác tư tưởng, động viên. Sau khi sáp nhập, hết học kỳ I vừa rồi, huyện tổ chức họp các trường để lắng nghe ý kiến. Nhìn chung, đến nay công tác dạy và học đã đi vào ổn định, hướng đến năm 2021 sẽ hoàn tất việc sáp nhập các trường trong toàn huyện.
“Sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập là chính sách đúng đắn nhằm tinh giảm bộ máy cán bộ ngành GD&ÐT, quan trọng hơn là nâng cao chất lượng dạy và học của các trường học. Dù vậy việc sáp nhập phải linh động, phù hợp với thực tế từng địa phương. Huyện Hoài Nhơn là địa phương thực hiện nhanh gọn, đi đầu trong việc sáp nhập và đã làm rất tốt trong công tác tổ chức cán bộ, đảm bảo chất lượng dạy và học”.
Ông VÕ NGỌC SỸ, Trưởng Phòng Tổ chức - Cán bộ, Sở GD&ĐT
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Nhơn, sau khi sáp nhập, đến nay đã giảm được 33 biên chế, chấm dứt hợp đồng 20 trường hợp. Đồng thời cơ sở vật chất các trường học vẫn giữ nguyên đảm bảo phục vụ tốt nhất việc học của các em. Các trường có 2 cấp học vẫn đảm bảo cho học sinh học 2 khu riêng biệt để không gây ảnh hưởng lẫn nhau. “Sáp nhập để tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhưng vấn đề quan trọng nhất mà chúng tôi hướng đến là đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học”, bà Hoài Anh nói.
Là địa phương đi đầu và có những thành công nhất định trong việc sáp nhập trường lớp, đến nay dù số lượng giáo viên, học sinh mỗi trường đều tăng cao nhưng chất lượng dạy và học vẫn đảm bảo. Trường Mầm non Tam Quan Bắc và Trường Mẫu giáo Tam Quan Bắc sáp nhập từ ngày 14.8, lấy tên chung là Trường Mầm non Tam Quan Bắc. Cô Bùi Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện trường có 1 điểm chính và 5 điểm lẻ với 20 lớp học. Ở những điểm lẻ, trường cho lắp đặt camera nên việc quản lý vẫn thuận tiện, đảm bảo.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Bà Nguyễn Thị Hoài Anh cho biết thêm, sau khi sáp nhập, số lượng giáo viên mỗi trường tăng lên, do vậy có một số khó khăn nhưng không đáng kể, ví dụ việc sắp xếp phòng họp cho cán bộ giáo viên. Để giải quyết, huyện đã có chủ trương cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phù hợp.
Theo ông Trương Đề, bên cạnh những thuận lợi, thành công, sau khi sáp nhập, các trường học của huyện gặp một số vướng mắc. Tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22.8.2018 của Bộ GD&ĐT, tiêu chuẩn trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là mỗi trường có không quá 30 lớp, nhưng sau khi sáp nhập các trường tiểu học ở Hoài Nhơn có số lớp vượt hơn rất nhiều như: Trường Tiểu học Bồng Sơn có 60 lớp, Tiểu học Hoài Đức có 38 lớp.
Đồng thời, tại công văn 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24.8.2018 của Bộ GD&ĐT về việc sắp xếp lại tổ chức các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nêu “chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn các xã; các xã có 2 đến 3 trường tiểu học, xem xét sáp nhập thành một trường nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên” nhưng đối với huyện rộng như Hoài Nhơn thì tất cả các trường tiểu học không có trường nào có quy mô dưới 10 lớp. Bên cạnh đó, khi nhập các trường để đảm bảo mỗi xã một trường tiểu học thì số lớp không thể dưới 30 lớp. “Vấn đề này chúng tôi sẽ làm việc với Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, điểm then chốt là việc sáp nhập không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng dạy và học, tôi cho đây là cái được cốt lõi”, Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Đề nói.
THẢO KHUY