Dịch vụ hậu cần nghề cá: Tăng năng lực, đáp ứng nhu cầu
Nghề biển ở tỉnh ta phát triển ngày càng mạnh, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Theo xu thế đó, các dịch vụ hậu cần nghề cá trong tỉnh cũng bám sát để đáp ứng nhu cầu của đội tàu đánh bắt xa bờ.
Đóng tàu cá vỏ gỗ tại một cơ sở ở TP Quy Nhơn.
Tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan đã hình thành nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ ngư dân về nhiên liệu, đá lạnh, ngư lưới cụ… Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Bên cạnh phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá quen thuộc, hiện chúng tôi đang kêu gọi đầu tư khu vực sơ chế, bảo quản, vận chuyển cá ngừ đại dương, vùng mặt nước để tàu thuyền neo đậu. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu quy hoạch xây dựng một khu chuyên cung cấp hải sản chất lượng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, hướng tới phát triển du lịch”.
Ông Mai Thanh Trường, chủ cơ sở mua bán ngư lưới cụ Bảy Hùng tại cảng cá Quy Nhơn, chia sẻ: “Nếu như trước đây, ngư lưới cụ phải nhập từ ngoài tỉnh về bán thì bây giờ nhiều mặt hàng như: dây neo, lưới, dây tời… đã được các cơ sở ở Quy Nhơn sản xuất với chất lượng đảm bảo, nhanh chóng, đáp ứng chính xác nhu cầu của từng đơn hàng”.
Nhiều DN làm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng từng bước ứng dụng KHKT, nhằm nâng cao năng lực phục vụ khách hàng. Ông Đào Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Đường Minh (ở phường Đập Đá, TX An Nhơn), cho biết: “Chúng tôi vừa đầu tư hệ thống dây chuyền cắt, gọt, đúc kim loại tự động để sản xuất các sản phẩm chuyên dùng của tàu đánh bắt xa bờ, như: ru lô cảo, khoen, máy bơm nước trên tàu cá, nhông cẩu kéo lưới... 50% sản phẩm của Công ty phục vụ cho ngư dân trong tỉnh, còn lại được tiêu thụ tại nhiều tỉnh khác”.
Là DN chuyên cung cấp xăng dầu, đá lạnh cho tàu cá tại cảng cá Tam Quan (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), bà Võ Thị Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Tân Xuân Lộc (ở xã Tam Quan Bắc), cho biết: “DN đã đầu tư xây dựng kiên cố hệ thống trạm xăng, cầu cảng phục vụ việc bơm dầu trực tiếp cho tàu cá. Nhà máy sản xuất đá lạnh được đầu tư nâng công suất lên đến mức 1.000 cây đá/ngày, đảm bảo cung cấp cho 1.000 - 1.300 tàu cá/chuyến biển (20 - 25 ngày/chuyến). Tàu nhiều hơn trước, công suất mỗi tàu cũng lớn hơn trước nên Công ty đã cho lắp đặt hệ thống tời rút đá ra khỏi hầm đá, chuyển đá điều khiển tự động. Hệ thống này vừa giúp giảm chi phí nhân công, rút ngắn thời gian bán hàng, vừa tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của các tàu”.
Tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng cá Quy Nhơn mua đá lạnh để bảo quản sản phẩm.
Hoài Nhơn là địa phương có đội tàu cá lớn nhất tỉnh, để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương cho biết, trên cơ sở Đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/2000 khu neo đậu, tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng cá Tam Quan đã được UBND tỉnh phê duyệt, huyện triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 giai đoạn 1 gồm khu cảng cá loại 2; khu neo đậu, tránh trú bão; khu cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá… và đang tiếp tục thuê đơn vị tư vấn, khảo sát quy hoạch giai đoạn 2 để trình UBND tỉnh phê duyệt tiếp. Đồng thời, huyện kiến nghị UBND tỉnh mở rộng tuyến ĐT 639 từ QL 1A cũ xuống hết cầu Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc), nạo vét cửa biển Tam Quan… để phát triển nghề biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hoài Nhơn nói riêng, của tỉnh nói chung.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ; hơn 40 cơ sở, DN sản xuất đá lạnh phục vụ tàu cá; 30 cơ sở cung cấp nhiên liệu và gần 50 cơ sở, DN gom mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tàu cá.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết, các dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh ta phát triển mạnh, năng lực đáp ứng tốt nhu cầu nghề cá, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trên bờ. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều nội dung về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản, chế biến thủy sản, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… nhằm phát triển ngành Thủy sản của tỉnh theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế khu vực và thế giới.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN