Không nên tẩy chay thịt heo sạch
Những thông tin về diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan của dịch tả heo châu Phi đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện dịch bệnh này đã xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố trên cả nước, số heo mắc dịch bị tiêu hủy đã lên tới gần 12.000 con.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện An Lão đã quyết liệt chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương, thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng chống dịch bệnh lây lan từ những địa phương lân cận sang đàn vật nuôi trên địa bàn.
Trong đó, huyện đã lập các chốt kiểm dịch, kiểm soát gắt gao việc vận chuyển heo ra, vào địa bàn. Các đoàn, tổ công tác của 10 xã, thị trấn tăng cường đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ chăn nuôi, kinh doanh thực hiện nghiêm ngặt quy định “5 không”: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo.
Công tác tuyên truyền, cảnh báo phòng chống dịch cũng được thông tin liên tục để hộ, cơ sở chăn nuôi tiếp tục làm tốt vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt, khi đàn heo có dấu hiệu lạ phải báo ngay cho cơ quan thú y. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện An Lão chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi.
Tuy nhiên, do lo ngại dịch bệnh này, nhiều người dân hoang mang, có xu hướng tẩy chay thịt heo vì sợ ăn phải heo nhiễm bệnh, ảnh hưởng sức khỏe. Tại một số trường học trên địa bàn huyện, do lo ngại dịch bệnh đã tạm thời loại bỏ thịt heo ra khỏi thực đơn bữa ăn bán trú của học sinh. Liệu có nên lo lắng thái quá như thế không?
Được biết, dịch tả heo châu Phi không có khả năng lây sang người. Dịch tả heo có tác nhân gây bệnh là virut, khác hoàn toàn với tác nhân gây bệnh tả ở người là vi khuẩn, lây qua đường tiêu hóa. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả heo sang người.
Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, mà cần bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, không tẩy chay thịt heo; nên lựa chọn, sử dụng thịt heo sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định an toàn, chế biến hợp vệ sinh, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng; tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như: nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh.
Vì vậy, người dân cần hiểu đúng về dịch tả heo châu Phi để không tẩy chay thịt heo an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là hành động thiết thực để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi.
DIỆP THỊ DIỆU