“Phản ánh” hay “phản ảnh”
Đây là hai từ khác nhau hay chỉ một từ và biến âm của nó? Nếu không rõ nghĩa gốc, sẽ không dễ để trả lời. Thực tế, không ít người đã dùng lẫn lộn vì cho rằng chúng là một.
Ai cũng biết, nghĩa được sử dụng của cả “phản ánh” và “phản ảnh” đều là “tái hiện lại”. Vậy thì, trong hai từ trên, từ nào có nghĩa gốc phù hợp với nghĩa này sẽ là từ đúng.
Cả “phản ánh” lẫn “phản ảnh” đều là từ do các yếu tố Việt gốc Hán tạo thành theo quy tắc ngữ pháp tiếng Hán. Trong đó, “phản” (bộ hựu) nghĩa là “ngược lại”; “ánh” (bộ nhật) có những nét nghĩa như “ánh sáng mặt trời, chiếu sáng”; “ảnh” (bộ sam) có các nghĩa như “cái bóng” (thụ ảnh: bóng cây; nhân ảnh: bóng người), “hình, hình tượng” (nhiếp ảnh: chụp hình), “bức hình, bức ảnh”. Như vậy, có thể hiểu, “phản ánh” là “ánh sáng chiếu ngược lại”; còn “phản ảnh” là “cái bóng, bức hình, một hình ảnh nào đó đảo ngược lại”. Rõ ràng, từ đúng phải là “phản ánh”.
Trong tiếng Hán, không có “phản ảnh”; chỉ có từ “phản ánh” với nghĩa gốc là “chiếu ngược lại”, rồi chuyển nghĩa “tái hiện lại” (1), về sau thêm nghĩa “đem tình huống, ý kiến chuyển đạt, báo cáo lên cấp trên” (2). Nhưng khi vào tiếng Việt, do gần gũi về âm đọc, “phản ảnh” ra đời vì đọc lệch. Nó được sử dụng phổ biến, dần được thừa nhận trong đời sống ngôn ngữ và được ghi nhận trong các từ điển tiếng Việt.
Tuy nhiên, giữa hai từ này có sự phân công về nghĩa. “Phản ánh” được dùng với nghĩa (1), tức “tái hiện những đặc trưng, thuộc tính, quan hệ của một đối tượng nào đó”. Còn “phản ảnh” được dùng với nghĩa (2), tức “trình bày với cấp có trách nhiệm những tin tức về hiện thực khách quan với những diễn biến của nó”. “Phản ánh” đôi khi còn được dùng ở nghĩa (2) nhưng “phản ảnh” thì chỉ dùng duy nhất ở nghĩa (2) mà thôi [xem Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.755].
ThS. PHẠM TUẤN VŨ